Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi học MBA ở West Point) (14)
Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi học MBA ở West Point) (14)

Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi học MBA ở West Point) (14)

09-09-2015 07:29 AM

Năm hai học hành sướng hơn nhiều, toàn các môn tự chọn. Môn duy nhất bị học bắt buộc là môn Trách nhiệm Xã hội, nghe hơi bị oách. 

Có hai lý do để nhét cái môn Trách nhiệm Xã hội này vào chương trình. Thứ nhất là cuộc khủng hoảng 2008 đã phá tan nát bét cả xã hội, đẩy bao nhiêu người mất nhà cửa, mất việc làm. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này thì lằng nhằng, ngay từ việc xác định chính xác nó là khủng hoảng gì? Khủng hoảng kinh tế? Khủng hoảng tài chính? Khủng hoảng thanh khoản? Niềm tin? Nhưng một trong những nguyên nhân được thừa nhận rộng rãi là do tính risk taking quá cao, lòng tham theo đuổi lợi nhuận tột cùng của các doanh nghiệp Mỹ (greed-is-good attitude). Trước khi đến Mỹ tôi nghĩ ngành tài chính chả làm gì sai cả, và các cuộc khủng hoảng đến rồi đi, vốn dĩ như lòng tham và nỗi sợ hãi của con người là vĩnh cửu. Thành ra tôi xem bộ phim như Inside Job mà thấy cực kì khó chịu, bộ phim quá biased đến mức xem được chỉ vài chục phút tôi phải tắt nó đi và nghĩ bụng “bullsh*t”. Tôi có đọc nhiều quyển sách viết đại khái trên quan điểm finance industry là evil, một số rất aggressive, một số điềm tĩnh hơn. 

Sang bên này, tôi mới cảm nhận rõ rằng người Mỹ rất có trách nhiệm trước tiên với bản thân mình và sau đó với cộng đồng và với xã hội – không như ấn tượng qua sách báo rằng người Mỹ rất cá nhân. Bạn đi qua một thư viện của một người tên A đã hiến tiền xây dựng nên. Bạn đi qua một trung tâm giải trí tên một người B. Bạn bước vào trung tâm việc làm được gây dựng bởi tiền đóng góp của một công ty XYZ. Khi bạn đi dọc các phòng học, mỗi phòng học đều mang tên một ai đó, một công ty nào đó thì bạn nhận thấy rằng bạn sẽ không ở đây nếu không có ý thức về trách nhiệm với xã hội của những con người khác. Khi tôi đến trường vào năm 2014, tôi được một trung niên làm trong phòng Career Services dắt đi một vòng ngắn. Tôi bảo “tao ước gì sau tên tao trên bảng của một trong các phòng này” và điều đó làm trung niên kia vui vẻ lắm lắm. Ở trong đất nước được tạo lập bởi trách nhiệm và di sản của những người đi trước này, nếu như có một thứ XYZ nào đó đã khiến hàng triệu người mất việc làm và nhà cửa, bất kể nguyên nhân của cái XYZ đó là gì, nó hẳn không thể được xem như là tốt. 

MBAs về cơ bản là sau sẽ giữ những chức vụ liên quan đến quản lý nên họ phải hiểu trách nhiệm của mình đối với xã hội. Khi bạn có power lớn hơn, bạn phải có trách nhiệm lớn hơn. Đây là một giá trị mà trên đó đất nước rộng lớn này được vận hành. Đây là một điều không có ở Việt Nam: khi bạn có quyền lực lớn hơn, bạn trở nên vô trách nhiệm hơn. Khi bạn có xe to hơn, bạn lấn vào đường xe nhỏ, bạn coi mình được hưởng những đặc cách và cũng không cần thiết phải tuân thủ luật pháp, vì bạn có nhiều mối quan hệ có sức mạnh bảo vệ cho bạn. Đó là lý do thứ nhất tại sao trường nhét cái lớp này vào chương trình học MBA. 

Lý do thứ hai thì đời thường hơn một tí. Năm thứ nhất cả lớp học cùng nhau, bọn SCM, bọn Finance, bọn Marketing, etc đều chia đều vào từng nhóm. Hết năm thứ nhất, nếu bạn không thân ai thuộc chuyên ngành khác, bạn sẽ không bao giờ thân được nữa: Giờ giấc lên lớp là do bạn tự chọn, nên bạn sẽ không có cơ hội để interact với nhau nữa. Tôi nghĩ có lẽ có nhiều đứa trong lớp tôi sẽ chả bao giờ còn gặp mặt, đừng nói là nói chuyện. Cái lớp trách nhiệm xã hội coi như một cầu nối để chúng tôi thấy rằng chúng tôi vẫn còn trong một lớp, Class of 2016.

Ngoại trừ lớp Trách nhiệm Xã hội này ra, tất cả các lớp khác của tôi đều là lớp tự chọn. Tôi đều lấy các lớp Finance cả. 

Hôm 9/2, tôi có lớp Tài chính Doanh nghiệp Quốc tế vào lúc 10:20 sáng. Lớp học vui phết. Chúng tôi chơi mấy trò chơi, trong đó mấy đứa đầu bàn làm FX dealers, chúng tôi ở giữa làm trader. Thế là chúng tôi cứ chạy hỏi giá quote của bọn dealers loạn xạ cả, vui lắm. Sau cái lớp này, tôi phải cuốc bộ đến hiệu sách để mua sách cho mấy lớp sau. Textbooks thì tôi đã mua từ trước rồi. Mua sách cũ nên cũng không chát lắm. Mỗi quyển sách giá vài trăm đô thì tôi mua sách cũ, lại ấn bản cũ đi một edition, giá chỉ còn vài chục đồng thôi. Nhưng ngoài textbook lại còn phải mua casepack/coursepack. Có môn chết tiệt đắt, gần 100 đồng cho mấy cái case viết ra từ thế kỉ trước với cả vài chiêu võ công mèo què của ông giáo. Mua xong tài liệu cho mấy môn mất gần 200 đồng, tôi cắm đầu cắm cổ đi đến canteen để ăn. Tôi chỉ có hơn 5p để ăn trưa, vì sau đấy phải đi bộ đến một building khác cho lớp Modeling mà tôi phải làm TA. Xong lớp TA lúc 2h kém xíu, tôi phải đi thật nhanh quay lại business school để có hẹn với ông giáo môn Financial Strategies lúc 2h ở văn phòng ông ấy. Sau cuộc gặp này, lúc 2h20 tôi đến phòng học chính môn Financial Strategies này để học buổi đầu tiên. Lúc 4h chiều, tôi có một lớp Debt, Money Instruments. Thế là hôm 9/2 tôi cứ phải đi mà cắm đầu cắm cổ như chạy cả. 

Tôi thấy các lớp này tuyệt vời ở chỗ nó nói theo ngôn ngữ mà tôi quen thuộc. Khác với cái lớp SCM, khi người ta hỏi “business process là gì” và một trong những câu trả lời chính xác nhất của nó là “a sequence of activities that are performed in organizations to accomplish specific goals” nghe đã thấy như cục kít. Hoặc trong cái lớp khác, bà giáo cho một đống các process khác nhau rồi cả lũ cắm đầu phân tích xem cái process nào có điểm gì không hợp lý, cần cắt nọ, thêm cái kia thì mọi thứ vận hành trơn tru hơn. Toàn những thứ kít đai’ cả. 

Khác với mấy môn vớ vỉn đấy, ông giáo môn Debt này có thể hỏi “nào các thanh niên trẻ cho tôi biết nếu LIBOR tăng ba trăm điểm cơ bản thì điều này có nghĩa là gì?” Được nghe và nói, được phát biểu ý kiến, được nhìn nhận những góc nhìn khác nhau về một thứ mình thích thú thật là tuyệt vời. Tôi phát biểu túi bụi. Nếu LIBOR tăng vài trăm điểm cơ bản trong thời gian rất ngắn thì có thể có một số ý nghĩa. Có thể là thanh khoản trên thị trường đang bị cạn kiệt. Hoặc có thể thị trường lo ngại về counter-party risk nên không muốn cho vay và để cho vay phải yêu cầu một lãi suất cao hơn. Ông ấy hỏi cái gì, miễn là đừng đi sâu vào numbers, thì tôi trả lời được hết. Thế là cuối buổi các bạn khoái tôi lắm. Ngay lập tức một bạn Trung Quốc bảo này anh thân yêu ơi, anh vào nhóm bọn em nhé. Tôi đã định một mình một nhóm, xét cho cùng thì tất cả các lớp khác đã phải làm việc theo nhóm, ở lớp này tôi muốn đổi gió tí làm việc cá nhân để đỡ phải biện luận và lắng nghe quan điểm của người khác. Nhưng xét cho cùng khi các bạn gái đã muốn làm việc với tôi thì tôi đành phải chiều thôi, người văn minh là phải như thế. Một bạn gái khác hỏi “Moneytalks KK ơi, anh có nhớ em không?”, ra điều là tôi và cô ấy học chung một lớp Finance khác, và chúng tôi đã hỏi tên hỏi tuổi của nhau ở cái lớp kia. Nhưng khả năng nhớ tên tuổi khi gặp nhiều người lạ cùng lúc của tôi không tốt lắm, nên tôi rất bối rối không biết trả lời thế nào cả. Bảo “không, anh chả biết em là đứa nào cả” thì lại quá phũ, nên tôi đành phải trả lời “ồ, anh nhớ em chứ” hiu hiu liu tiu xiu. Sau tuần đầu tiên đến trường làm quen với thầy cô và biết mặt nhóm mới, chúng tôi có kì nghỉ dài nhờ có thêm ngày Labor day.