Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi học MBA ở West Point) (13)
Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi học MBA ở West Point) (13)

Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi học MBA ở West Point) (13)

07-09-2015 05:12 AM

Thế nhưng những ngày tháng khủng khiếp ấy đã qua, những ngày tháng chết tiệt tôi cố gắng phát biểu vào đầu giờ để cuối giờ được ung dung là “ok, ông ấy sẽ không gọi mình nữa đâu”. Thật ra ngồi học mấy buổi học ẩm ương đấy cũng không hoàn toàn vô ích, học được nhiều điều hay ho phết chứ chả phải là không. 

Ví dụ một điều ngày trước ở Việt Nam x biết, và cũng không mường tượng ra, là ở trong tech người ta chia mọi thứ ra làm hai bên, một bên là bên X, một bên là bên Y. Thật ra, bên X và bên Y này nó có tên gọi hẳn hoi cơ, nhưng tôi quên mất rồi hiu hiu liu tiu xiu. 

Để giải thích cho dễ hình dung thế nào là bên X và bên Y, tôi nêu vài ví dụ. Uber chả hạn, hồi đầu mới thâm nhập thị trường (và bây giờ vẫn đang cố gắng mở thị trường mới tại nhiều quốc gia), phải cố gắng tạo ra một bên là người lái xe, một bên là người tiêu dùng. Để có người đi xe (rider), thì phải có driver trước, cho nên thời gian đầu Uber phải tìm cách khuyến khích nhiều người làm driver bằng cách này hay cách khác (mostly financial incentives). Đến một lúc nào đó, có đủ người lái xe, đáp ứng được nhu cầu ở mọi nơi rồi thì sẽ tạo ra nhu cầu cho nhiều rider tham gia hơn, và càng nhiều rider sẽ lại càng thu hút nhiều driver hơn. Mấu chốt đầu tiên là phải xác định được thanh niên nào là quan trọng hơn, X hay Y, để mà khuyến khích bên đó tham gia. Một ví dụ xưa hơn, là Airbnb, cái này ở Việt Nam chưa phổ biến lắm, vùng trũng của văn minh thế giới mà lị. Nhưng với bạn nào đã quen thuộc với Airbnb rồi, thì bạn sẽ đặt câu hỏi, giả sử mình là chủ căn nhà trị giá 3-500 ngàn đô, làm sao mình dám cho một thằng ất ơ trời ơi đất hỡi ở đâu đến ở trong nhà mình, sử dụng đồ đạc trong nhà với giá độ, ví dụ, $100-200/ngày? Thế là Airbnb sẽ khuyến khích cho thằng dám liều lĩnh cho thuê căn nhà đó, bằng cách nào đấy. 

Tất nhiên sẽ có nhiều ví dụ khác bên người tiêu dùng lại là mấu chốt quyết định. Hoặc thậm chí có nhiều bài toán con gà và quả trứng, chả biết cái nào quan trọng hơn cái nào. 

Học MBA chả hạn, bạn sẽ quen thuộc hơn với các nguyên lí cơ bản đằng sau mô hình hoặc đằng sau thành công của mỗi doanh nghiệp. Nói vậy nhiều bạn không thấy quen thuộc lắm, nói thế này cho dễ hiểu vậy. Nguyên lí đằng sau của việc cưa gái, bạn muốn hôn được cô nào đó, sẽ dễ nhất nếu bạn nắm tay cô ấy. Nếu bạn chưa nắm tay được cô ấy, bạn sẽ cực kì khó hôn cô ấy. Bạn mà chưa hôn được cô ấy, bạn sẽ rất khó làm các chuyện hư đốn khác với cô ấy hiu hiu liu tiu xiu. Thế sẽ ra sao nếu sau cái nắm tay, bạn không hôn cô ấy? Chả sao cả, câu chuyện của bạn chỉ là một câu chuyện lãng mạn vu vơ. Hãy chuyển khoản vào tài khoản paypal của tôi vài cốc bia nếu bạn chưa biết điều này. 

Nói thực tế cho thấy hay hơn. Các bạn thấy một số thanh niên đầu toi vào mấy doanh nghiệp liên quan đến việc bán lẻ, như Thế giới di động chả hạn. Số lượng người tiêu dùng mà người ta hay gọi là tầng lớp trung lưu tăng lên, dẫn đến cái nhìn lạc quan về triển vọng doanh thu cho các doanh nghiệp tập trung vào tầng lớp này. Thế là các con số về thu nhập hay tiêu dùng thường được trích dẫn coi như là một data ủng hộ cho doanh nghiệp bán lẻ như Thế giới Di động. Trên thực tế, Thế giới Di động chỉ là một doanh nghiệp có cái business model dựa trên các cửa hàng brick and mortar. Càng đầu tư nhiều cho hệ thống bán lẻ phân phối tại càng nhiều địa điểm bao nhiêu, doanh nghiệp này sẽ càng chịu rủi ro nếu có một disruptive technology/invention đưa cái mô hình brick and mortar đến bờ tuyệt chủng, giống như amazon.com đã đưa nhiều trung niên bán lẻ khác đến bờ tuyệt vọng. Understand your assumptions là mấu chốt khi đầu toi.

Ở Việt Nam có thể hơi khó hình dung, chứ ở đây mọi thứ, các bạn trẻ mới lập nghiệp đều phát cuồng lên vì các app nọ app kia, cái sau thay cho cái trước thì điều này không cảm thấy khó hiểu lắm [disruptive innovation]. Nói thế để thấy là nhiều môn trong cái Core của MBA cũng hay phết chứ không đến nỗi vô tích sự như tôi vẫn hay nói quá lên.