Pinball, 1973 (6)
Pinball, 1973 (6)

Pinball, 1973 (6)

5

Hồi sinh viên, trong kí túc xá tôi ở không một ai có cái điện thoại nào. Tôi còn ngờ rằng thậm chí vài người thậm chí chẳng có đến một cục tẩy còm. Tuy nhiên, ngay trước phòng giám thị, chúng tôi đặt một chiếc bàn thấp được dỡ ra từ trường tiểu học gần đó. Trên chiếc bàn có chiếc điện thoại trả tiền màu hồng, chiếc duy nhất trong toàn bộ ký túc xá. Cho nên chẳng ai bao giờ có tý khái niệm nào về bảng chuyển mạch. Đó là một thế giới an bình trong thời kì an bình.

Chẳng bao giờ có ai trong phòng giám thị cho nên mỗi khi điện thoại reo, một người nào đó phải nghe rồi ba chân bốn cẳng đi gọi. Tất nhiên là nếu không ai muốn trả lời (ví dụ vào lúc hai giờ sáng) thì chẳng ai nhấc máy cả. Điện thoại cứ kêu mãi (lần tôi đếm được nhiều nhất là 32 hồi chuông), bực bội như một con voi hiểu rằng giờ G của nó đã điểm. Rồi nó sẽ tắt. Thực sự, nó sẽ chết. Khi tiếng chuông cuối cùng ập xuống căn nhà trong đêm khuya, một sự tĩnh lặng bao trùm căn nhà. Đó là một sự yên tĩnh đáng sợ. Mọi người như đều nín thở trong chăn nghĩ về một cú điện thoại đã chết.

Những cú điện thoại trong đêm chẳng bao giờ mang tin tốt lành cả. Ai đó mà nhấc máy thì sẽ thì thào rằng “Chúng ta không nói về chuyện này được chứ? … Anh không hiểu sao, nó không phải như thế…

Cái gì, anh nói sao? Đúng nó là thế này, phải không? Tôi cho rằng tôi chỉ mệt mỏi… Tất nhiên rồi, tôi xin lỗi và… Anh thấy đấy… Tôi nắm đựơc vấn đề rồi, để tôi nghĩ một lát chứ, được không nào? Tôi chưa biết phải nói thế nào qua điện thoại cả…”

Mọi người đều gặp rắc rối. Chúng tôi liên tục gặp rắc rối vì chúng cứ như mưa từ trên trời rơi xuống. Chúng tôi cứ đi loăng quăng là ních đựơc đầy túi rắc rối. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao lại như thế. Hay là chúng tôi đã lẫn chúng với cái gì khác.

Đôi khi chúng tôi còn nhận được cả điện tín. Bốn giờ sáng, một chiếc xe đạp dừng trước cửa, theo đường tới toà nhà. Rồi có tiếng gõ cửa phòng ai đó. Những tiếng thùm thụp luôn báo hiệu Thần Chết đến. Một vài người cứ băm nát đời mình, đầu óc vẩn vơ, vùi lấp con tim trong cống rãnh thời gian, đốt cháy lên với những suy nghĩ vô vọng, rồi gây chuyện cho người khác. Năm 1970 diễn ra như vậy. Nếu như loài người sinh ra có thể tự tiến hoá từ những suy luận biện chứng thì năm đó là một năm về bài học của khách thể. (1)

(1) Khó dịch cho xuôi quá. Nguyên văn: If indeed human species was created to elevate itself dialectically, then that year had to have been some kind of object lesson. Thông thường tớ đọc hiểu bằng cách phân tích logic của câu hoặc đoạn văn. Câu này có đại loại hiểu vế 1: thuộc về tự lập luận, tự suy diễn logic chứ không cần thực chứng, vế hai đối lập: khách thể tồn tại.

*******

Tôi ở tầng một, ngay cạnh phòng giám thị. Một cô gái tóc dài ở tầng hai ngay cạnh cầu thang. Cô ấy là nhà vô địch nhận điện thoại trong khu ký túc xá, cô cứ liên tục chạy lên chạy xuống mười lăm bậc thang trơn tuột ấy. Để tôi nói cho nghe, cô ấy nhận được đủ loại các cuộc gọi. Những giọng nói lịch sự, những giọng độc đoán, những giọng nói u buồn, những tiếng nghe không thể chịu đựng nổi, tất cả đều gọi đích danh cô. Tôi phải mất một thời gian dài để tâm trí thoát khỏi cái tên đó, coi nó cũng như chỉ một cái tên bình thường khác.

Cô thường nói bằng một giọng thấp và mệt mỏi. Những tiếng thì thào bạn khó có thể bắt chước được. Nhưng tôi nghĩ cô tương đối xinh, thế mà có một vẻ gì đó u buồn và đầy tâm trạng trên gương mặt cô. Thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau trên phố, nhưng cô chẳng bao giờ nói gì.

Cô luôn bước đi với vẻ tập trung như thể đang đi xuyên qua một khu rừng rậm, ngồi vắt vẻo trên lưng một con voi trắng.

***

Cô sống trong ký túc xá khoảng nửa năm. Một nửa năm trời từ bắt đầu mùa thu cho tới cuối mùa đông.

Tôi trả lời điện thoại, leo lên lầu, gõ cửa và gọi to, ” Điện thoại!”

Sau một khoảng lặng là tiếng “Cám ơn.” Đó là tất cả những gì tôi nghe cô ấy nói, “Cám ơn.” Nhưng thực ra tôi cũng chẳng nói gì hơn ngoài “Điện thoại.”

Với tôi, đó là một mùa cô đơn. Mỗi hôm về nhà thay quần áo, giây phút nào tôi cũng thấy như xương cốt mình tan rã ra thành từng mảnh. Như thể có một lực vô hình bên trong tác động nhầm, đưa tôi theo một hướng bất thường tới thế giới khác.

Điện thoại reo. Và tôi nghĩ rằng mỗi người đều có một điều gì đó cần phải nói với người khác. Bản thân tôi thì lại chẳng bao giờ nhận được điện thoại. Như chẳng ai có gì để nói với tôi, ít nhất là từ những người mà tôi muốn.

Cứ thế, mọi người bắt đầu sống theo một hệ thống của riêng họ. Nếu hệ thống của họ quá khác với của tôi, tôi sẽ rất khó chịu, nếu lại qúa giống nhau, tôi lại hoàn toàn thất vọng.

Đó là những gì đã diễn ra.

***

Cú điện thoại cuối cùng tôi nhận cho cô ấy là vào cuối đông. Một sáng Chủ nhật trong trẻo, đầu tháng Ba. Vào buổi sáng, ý tôi là mười giờ sáng, khi mặt trời mùa đông đã rọi sáng mọi góc trong căn phòng bé nhỏ của tôi. Tôi chỉ thoáng nghe thấy tiếng chuông vì vẫn còn lơ mơ, uể oải nhìn ra khu vườn bắp cải từ cửa sổ cạnh giường. Những cụm tuyết đây đó trên nền đất đen lung linh như những hạt nước phản chiếu ánh sáng. Những cụm tuyết còn lại nhờ đợt lạnh cuối cùng của mùa đông.

Mười tiếng chuông mà chẳng ai nhấc máy. Tiếng chuông ngắt. Rồi chưa đến năm phút sau nó lại kêu. Chán chường, tôi khoác áo len ra ngoài bộ pijama rồi nhấc ống nghe.

“Xin cho gặp cô …” một giọng đàn ông. Một giọng đều đều, âm sắc không thể mô tả mà bạn không thể bắt chước nếu bạn cố thử. Tôi nói vài lời, rồi chậm rãi bước lên lầu gõ cửa.

“Điện thoại!”

“…Cám ơn.”

Tôi về phòng, lên giường và nhìn đăm đăm lên trần. Tôi nghe thấy tiếng cô gái bước xuống nói chuyện bằng tiếng thì thào khô khan thường lệ. Đó cũng là một cuộc gọi ngắn như mọi cuộc gọi khác của cô.

Có thể chỉ 15 giây. Tiếng cô gái treo máy, rồi im lặng. Chẳng có tiếng bước chân.

Cuối cùng, sau một lúc lâu, tôi nghe tiếng chân tới, rồi tiếng gõ cửa phòng tôi. Hai tiếng gõ, vừa thời gian của một hơi thở sâu, rồi lại hai tiếng nữa.

Mở cửa, tôi thấy cô đứng đó trong bộ áo thun mỏng và quần jeans trắng. Trong khoảnh khắc, tôi nghĩ rằng tôi đã đưa nhầm cho cô nghe điện thoại của một người khác, nhưng cô không nói một lời nào. Cô cứ đứng đó, khoanh tay trước ngực, run run. Cô nhìn tôi, cái nhìn như thể từ một chiếc xuồng cứu nạn khi con tàu đã đắm. Hoặc đó là một cái nhìn xa xăm.

“Tôi vào đựơc chứ? Ở ngoài này tôi chết vì lạnh mất.”

Không hiểu chuyện gì, tôi mời cô vào và đóng cửa lại. Cô ngồi xuống trước lò sưởi, nhìn khắp căn phòng một lượt trong khi hơ tay.

“Phòng anh chẳng có đồ đạc gì nhỉ.”

Tôi gật đầu. Phòng thực sự trống trải. Chỉ có một chiếc giường đặt cạnh giường. Quá to đối với một giường đơn lại qúa nhỏ với một giường đôi. Nhưng cái giường này không phải do tôi mua. Một người bạn đã tặng tôi. Thậm chí tôi còn chẳng hiểu tại sao anh ta lại tặng tôi vì tôi cũng chẳng thân thiết gì với anh ấy cho lắm. Hầu như chẳng bao giờ nói chuyện với anh ấy cả. Con trai trong một gia đình giàu, ăn đòn ngay trên sân trường vì những tên tham gia mấy phong trào chính trị, bị ủng lao động đá vào mặt, suýt nữa hỏng một con mắt và phải bỏ học. Trên suốt đường dìu đến bệnh xá của trường , anh bị co giật, thật là một cảnh tượng kinh hoàng. Vài ngày sau, anh nói sẽ trở về nhà, và cho tôi cái giường.

“Tôi chắc anh cũng chẳng có đồ gì nóng để uống”. Cô nói. Tôi lắc đầu. Tôi chẳng có gì cả. Không cà phê, không trà, chẳng bancha. Tôi còn chẳng có đến một cái ấm đun nước. Chỉ có một chiếc xoong nhỏ đun nước nóng để cạo râu hàng sáng. Cô thở dài, đứng dậy và bảo chờ đó, cô ấy sẽ trở lại. Cô bước ra, năm phút sau quay lại mỗi bên nách cặp một chiếc hộp. Trong hộp là trà túi và trà xanh dùng phải được đến nửa năm, hai hộp bánh bích-quy, đường viên, phích nước và một bộ đĩa và hai chiếc cốc vại Snoopy. Cô ấy đặt những chiếc hộp xuống giường, đun nước để cho vào phích.

“Làm thế quái nào mà anh sống sót được nhỉ? Anh đúng là anh chàng Robinson Crusoe ở đây!”

“Không. Cũng làm gì đến mức ấy đâu.”

“Tôi cũng mong là thế.”

Tôi chẳng nói gì nữa và uống trà nóng.

“Tôi tặng anh tất chỗ này đấy.”

Tôi nhìn chỗ trà.”Cái gì cơ?”

“Anh phải nghe bao nhiêu cú điện thoại của tôi. Đây chỉ là cảm ơn anh thôi.”

“Nhưng còn cô thì sao, cô không cần những thứ này à?”

Cô ấy lắc đầu lia lịa. “Mai tôi sẽ chuyển đi, nên tôi cũng không cần nữa.”

Tôi nghĩ về chuyện này một lát, nhưng không tưởng tượng đựơc chuyện gì xảy ra.

“Chuyện xấu hay chuyện tốt?”

“Tôi e là chẳng có chẳng tốt đẹp gì lắm. Tôi phải bỏ học và về quê.”

Căn phòng ngập tràn trong nắng mùa đông chợt u ám hơn vì gợn mây rồi lại bừng sáng.

“Nhưng đó có phải là điều anh muốn nghe đâu. Đến tôi cũng chẳng muốn nhắc đến chuyện này. Ai mà muốn nhấm nháp dư vị chuyện buồn của người khác, đúng không?”

Ngày hôm sau, một cơn mưa lạnh trút xuống từ sáng sớm. Một trận mưa ra trò. Nước mưa thấm qua áo mưa và áo nỉ của tôi ướt sũng. Cơn mưa làm mọi thứ xám xịt và mượt mà. Cả những chiếc thùng quá khổ tôi khuân, xám xịt cả chiếc valy cô ấy mang, cái túi xách, tất cả mọi thứ. Người lái xe thậm chí còn gào lên:” Anh chị làm ơn đừng đặt đồ đạc lên ghế ngồi nhé.”

Trong chiếc taxi, hơi ấm từ lò sưởi trộn lẫn mùi khói thuốc. Chiếc đài radio trên xe phát ra một điệu enka cổ. Một khúc hát cổ giữa cái thời hiện đại đầy biển quảng cáo và đèn điện tử này. Những hàng cây trụi lá trông như những khúc san hô vươn những cành ướt từ hai bên đường phố.

“Anh biết không, ngay giây phút đầu tiên tôi đã không thích Tokyo,” cô nói.

“Thế á?”

“Mặt đất quá đen, dòng nước ô nhiễm, chả có núi non gì cả. Còn anh thì sao?”

“Thực sự thì tôi cũng không quan tâm mấy đến khung cảnh xung quanh.”

Cô ấy bật ra tiếng thở dài và cười. “Anh thì, tôi biết anh là một người sống sót mà.”

Hành lý của cô đặt trên sân ga, đây là đoạn cô sẽ phải cảm ơn tôi nhiều.

“Từ đây tôi tự lo đựơc rồi, cảm ơn anh nhiều.”

“Cô đi đâu?”

“Đi ra Bắc.”

“Lạnh chết đi nhỉ, tôi đoán thế.”

“Chẳng sao đâu, tôi quen thế rồi.”

Khi đoàn tàu chuyển bánh, cô ấy vẫy tôi qua cửa sổ. Tôi đưa tay lên ngang tai, nhưng lúc đó tàu đã chạy. Tôi chẳng biết làm gì nữa nên lại đút tay vào túi áo mưa.

Mưa tiếp tục đến tận đêm. Tôi mua hai chai bia ở một tiệm đồ uống gần đó và rót vào một trong những chiếc cốc cô gái tặng. Tôi cảm thấy buốt giá tận tâm can. Trên chiếc cốc là hình Snoopy và Woodstock đang chơi đùa trên nóc một chuồng chó, và trên đó là dòng chữ:

HẠNH PHÚC LÀ MỘT TÌNH BẠN NỒNG THẮM

***

Tôi thức giấc sau khi hai cô gái ngủ ngon. Ba giờ sáng. Mặt trăng mùa thu sáng bất thường rọi qua cửa sổ toa-lét. Tôi ngồi lên mép chậu rửa trong nhà bếp, uống hai cốc nước, rồi châm thuốc. Sân golf sáng dưới trăng ngoài kia vọng lại tiếng côn trùng ra rả ẩn mình đâu đó trong những lớp cỏ.

Tôi nhặt chiếc bảng chuyển mạch hai chị em dựa vào chậu rửa và nhìn kỹ. Dù bạn có lật sấp hay đặt ngửa, mặt trước hay mặt sau, nó cũng chỉ là một chiếc bảng mạch vô nghĩa. Tôi từ bỏ và đặt lại chỗ cũ, phủi bụi rồi rít một hơi thuốc. Mọi thứ đều nhuộm một màu xanh dưới ánh trăng khuya. Ánh trăng làm mọi thứ trở nên vô giá trị, vô nghĩa lý. Tôi cũng không chắc chắn lắm về bóng râm. Tôi dụi thuốc vào chậu rửa rồi ngay lập tức châm điếu thứ hai.

Tôi có thể sống thế này mãi mãi, nhưng liệu tôi có thể tìm được một điều gì có ý nghĩa với tôi? Liệu có một nơi nào đó? Sau khi nghĩ ngợi chán chê, tôi chỉ tìm được chỗ duy nhất là buồng lái hai chỗ ngồi của chiếc máy bay phản lực Kamikaze. Một ý nghĩ vớ vẩn. Ít nhất là những chiếc máy bay cảm tử này đã bị phá huỷ từ ba mươi năm trước.

Tôi quay lại giường và rúc vào giữa hai cô gái. Thân thể họ với những đường cong mịn màng, mặt quay ra ngoài, đang thở nhè nhẹ trong giấc ngủ. Tôi trùm chăn và ngó đăm đăm lên trần nhà.

(post lần đầu 29 Dec. 2006)