Pinball, 1973 (5)
Pinball, 1973 (5)

Pinball, 1973 (5)

4

Ngọn hải đăng nằm ở cuối con đê chắn sóng, lô nhô một góc ra ngoài biển.

Chỉ cao hơn hai mét, ngọn đèn báo rõ ràng chẳng phải là loại lớn. Thuyền đánh cá đã từng nhờ đến ánh sáng của nó cho tới khi biển bị ô nhiễm đến mức chẳng còn bao nhiêu cá mà ra khơi. Nói gì đến chuyện đây có thể có một hải cảng. Ngư dân chỉ đơn giản đặt các trục tời và các khung gỗ dọc theo bờ biển để có thể neo đậu thuyền bằng dây thừng.

Gần bãi biển hình như đã có ba gia đình, hàng sáng họ lại phơi đám cá con trong những hộp gỗ dưới nắng sau con đê chắn sóng.

Những ngư dân này cuối cùng đã đi khỏi nơi này vì 1/ đàn cá đã bỏ đi; 2/ những người dân địa phương điều tiếng nhiều về đám dân chài không hoà nhập vào cộng đồng cư trú; 3/ đám lán trại đã chiếm dụng đất công một cách bất hợp pháp. Tất cả những chuyện này diễn ra năm 1962. Ai biết đựơc họ đi đâu? Ba chiếc lán đã bị dỡ bỏ, còn những chiếc thuyền đánh cá xập xệ không còn được dùng vào việc gì khác và cũng chẳng có chỗ bảo quản cứ để mặc trên bãi biển dưới đám cây và thành chỗ chơi đùa của bọn trẻ con.

Kể từ khi không còn những chiếc thuyền đánh cá, hoạ chăng một chiếc du thuyền đến bãi biển hoặc chiếc tầu chở hàng neo đậu khẩn cấp vì sương mù dày đặc hay vì lời cảnh báo bão, ngoài ra chẳng có con tàu nào ghé tới ngọn đèn nữa. Thậm chí nếu có, thì lại có một điều gì đó làm nó đổi hướng.

Ngọn hải đăng có hình quả chuông, đã bị sương gió phủ lên một màu rỉ đồng tối sẫm. Hoặc nó mang dáng dấp của một người đàn ông đang trĩu nặng suy tư nhìn từ phía sau. Khi mặt trời lặn, màn xanh chuyển sang ráng chiều chạng vạng, một ngọn đèn màu cam đựơc thắp lên trên núm chuông và chầm chập quay tứ phía. Ngọn đèn biển luôn báo chính xác thời điểm màn đêm dồn dập tới. Ngay cả trong những buổi hoàng hôn lộng lẫy nhất hay những hôm sương mây mù mịt, nó luôn luôn trung thành với những giây phút đã định: khoảnh khắc ngắn ngủi khi ánh sáng hoà trộn cùng bóng tối khi trời sầm sập tối.

Khi còn niên thiếu, Chuột nhiều lần tới bờ biển vào ráng chiều để nắm bắt được giây phút này. Tận chiều muộn, khi thuỷ triều đã rút, Chuột bước dọc trên đê tới ngọn hải đăng, vừa đi vừa đếm những hòn sỏi bị thời gian bào mòn. Dưới làn nước trong vắt như pha lê, cậu có thể thấy hàng đàn cá đẹp tuyệt vời buổi sớm thu. Như tìm kiếm một cái gì đó, chúng lượn lờ theo những hình vòng cung trước khi biến mất trong làn nước sâu thẳm.

Khi tới ngọn hải đăng, cậu sẽ ngồi bên điểm cuối cùng của con đê chắn sóng và chậm rãi nhìn ra biển cả. Những đám mây mỏng mảnh lững lờ trên bầu trời xanh và xa vời thăm thẳm mà mắt thường có thể thấy được. Một màu xanh thẳm sâu vô tận, sâu đến mức làm cho chân cậu run lên khe khẽ. Cứ như thể cậu rúng động vì sợ hãi vậy. Mùi biển cả, những làn gió, mọi thứ huyền hoặc đến đáng ngạc nhiên.

Cậu đã nếm náp cái cảnh tượng ấy, để nó chầm chậm mà chắc chắn lan toả trong lòng. Rồi cùng chậm như thế, cậu nhìn lại phía sau. Giờ đây cậu ngắm nhìn thế giới riêng của mình trong sự chua chát trước ấn tượng sâu sắc giữa biển khơi (1). Đằng kia, bãi biển cát trắng và tường ngăn biển, rừng thông xanh tốt thấp loè xoè và sau đó là những ngọn đồi xanh xám vượt lên trên nền trời.

Đằng xa bên trái là một hải cảng khổng lồ. Cậu có thể thấy những chiếc cần cẩu lêu đêu, những con tàu nổi dập dềnh những kho hàng trông như những chiếc hộp, những con tàu chở hàng và những toà nhà cao tầng. Phía bên phải, trong đất liền hình vòng cung dọc theo bờ biển là một khu dân cư yên tĩnh và cảng thuyền buồm, và một nhà kho cổ chứa rượu sake; rồi trên đó là khu công nghiệp với những hàng bồn chứa hình cầu và ống khói cao vút phả ra khói trắng trôi lững lờ trên bầu trời. Xa hơn nữa, như những gì cậu Chuột 10 tuổi có thể hiểu được, là bạn đã ở bên ngoài thế giới này.

Suốt những năm tháng tuổi thơ từ mùa xuân tới sớm thu, Chuột làm những chuyến du ngoạn nho nhỏ tới ngọn hải đăng như thế này. Vào những ngày sóng lớn, chân cậu có thể ướt đẫm vì hơi nước, gió gào thét trên đầu khi cậu rảo bước thỉnh thoảng trựơt chân bước trên đám sỏi. Cậu biết rõ đường tới ngọn hải đăng hơn bất cứ điều gì. Và khi ngồi đó cuối con đê, cậu để tiếng sóng lấp đầy tai, nhìn mây trời và những đàn cá bé tí xíu, lấy ra những viên sỏi nhỏ cậu đã nhặt trên đường đi và ném chúng chìm xuống đáy sâu.

Rồi khi trời nhá nhem tối, cậu lại theo bước cũ về với thế giới của mình. Trên đường về, tim cậu ngập tràn nỗi cô đơn. Cậu không bao giờ hiểu đựơc đó là cái gì. Dường như những thứ “bên ngoài” quá to lớn, quá rắc rối nên cậu không hiểu nổi.

Có một phụ nữ anh quen sống gần con đê. Cứ mỗi khi đi qua nơi đó, Chuột lại nhớ lại những cảm giác vô vọng của tuổi thơ, về hương vị của những buổi chập choạng ấy. Anh dừng xe trên con đường dọc bãi biển, đi ngang qua những đám thông trồng để ngăn cát. Cát khô lọt qua kẽ chân anh.

Người ta đã xây những khu căn hộ nơi trước đây là lán của những ngư dân. Đám cỏ bông lau đựơc trồng trước các căn hộ này, trông như có vẻ đời sống đã gắn chắc vào đó. Căn hộ của cô ấy ở tầng hai, vào những ngày lộng gió, cát sẽ bám đầy trên ô cửa sổ. Cô có một căn hộ xinh xắn nhìn về hướng Nam, nhưng không hiểu vì sao, không khí có vẻ ủ ê.

Đó là vì biển, cô nói. Quá gần biển. Thuỷ triều, gió, tiếng sóng gầm gừ, mùi tanh ngòm. Tất cả mọi thứ.

Làm gì có mùi tanh, Chuột nói.

Có đấy, cô cằn nhằn, giật dây hạ rèm xuống. Nếu anh ở đây, anh mới biết.

Cát đập vào cửa sổ.

(Post lần đầu 27th Oct 06)

Chú:

(1) Từ nguyên bản: Now it was his own world he observed, set off utterly in the distance by this depth of sea. Lâu ngày không nhớ lắm về ngữ pháp, không nhớ đựơc now có dùng trong thời quá khứ đơn không nhỉ? Nếu dùng thì dịch như thế chắc là ổn rồi, nhưng nếu không thì sao dịch giả lại dịch như thế nhỉ?