Pinball, 1973 (2)
Pinball, 1973 (2)

Pinball, 1973 (2)

1

Không nghi ngờ gì chuyện có nhiều cách để phân biệt hai chị em sinh đôi, nhưng tôi chỉ biết được có một cách. Họ không chỉ giống nhau ở bất cứ khía cạnh nào, từ khuôn mặt, giọng nói tới kiểu tóc, mà thậm chí cũng không hề có một nốt ruồi nào khác nhau. Tôi hoàn toàn rối trí.

Họ là những bản sao hoàn hảo. Phản ứng của họ trước bất kì tác động nào đều được lập trình sẵn: món ăn đồ uống, bài hát họ nghe, thời gian họ ngủ và thậm chí cả chu kì kinh nguyệt. Mọi thứ đều i xì như nhau.

Tình huống này vượt quá khả năng của tôi, trí tưởng tượng của tôi không đủ để đoán biết được những chuyện của một cặp sinh đôi. Nếu mình có một người anh em sinh đôi và chúng tôi hoàn toàn giống nhau thì tôi chắc rằng mình sẽ cực kì bối rối. Mà vốn dĩ tôi đã sẵn bối rối rồi.

Thế nhưng mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường. Hai cô gái giải quyết công chuyện của họ theo những cách cực kì nhẹ nhàng. Thế nên, khi biết tôi không thể phân biệt được hai người, hai cô bị sốc. Rất dễ hiểu là các cô đã rất bực dọc.

“Tại sao lại thế được, chúng tôi hoàn toàn khác nhau!”

“Hoàn toàn đối nghịch.”

Điều này làm tôi im lặng. Tôi chỉ nhún vai.

Tôi thậm chí còn không thể nhớ được hai cô đã đến ở cùng tôi được bao lâu nữa. Điều tôi biết chắc là kể từ khi hai cô ở cùng, đồng hồ sinh học của tôi đã chậm lại. Với tôi, chắc chắn các cơ chế đã bị phân chia tới cấp độ tế bào của thời gian thực.

**********

Tôi cùng một người bạn đã thuê một toà nhà nằm trên con dốc từ Shibuya dẫn tới Nampeidai và mở một cửa hàng dịch vụ dịch thuật nho nhỏ. Ông bố của người bạn cấp vốn nên chúng tôi cũng không cần nhiều tiền, chỉ cần tiền đặt cọc cho toà nhà, ba chiếc ghế thép, khoảng chục quyển từ điển, một máy điện thoại và hai chục chai buorbon. Chúng tôi phải nghĩ ra một cái tên phù hợp. Số tiền còn lại dùng để đúc một chiếc biển bằng kim loại treo trước cửa, và quảng cáo trên báo. Sau đó, chúng tôi chờ khách hàng. Hai đứa tôi, chân gác lên ghế và uống rượu Whisky. Đó là mùa xuân năm 1972.

Sau vài tháng, chúng tôi thấy mình đã đào trúng mỏ vàng. Lượng công việc nhiều đáng kinh ngạc đã tìm đường đến văn phòng chúng tôi. Với thu nhập kiếm được, chúng tôi mua một máy điều hoà, một tủ lạnh và một bộ đồ uống rượu gia đình.

“Mình đã làm được rồi. Thành công rồi”, anh bạn tôi phấn khởi.

Điều này khiến tôi hết sức dễ chịu. Vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi nghe được những câu phấn khích như vậy.

Thậm chí chúng tôi còn nhận được tiền thưởng từ một nhà in là mối quen. Chúng tôi được quyền xử lý tất cả những bài cần dịch của nhà in. Tôi phải nhờ đến một trường Đại học chuyên ngữ để chọn ra một vài sinh viên ưu tú nhất, rồi đưa cho họ các bài dịch khó không thể đảm đương được. Chúng tôi thuê cả một nữ nhân viên văn phòng để lo chuyện sổ sách kế toán, các thủ tục nhàm chán và nhận các tin nhắn.

Một cô gái trong sáng sủa, gây chú ý vừa mới lơ ngơ bước chân ra từ một trường Kinh doanh, có cặp chân dài và không có khuyết điểm nào, trừ khi những hôm mệt mỏi, cô có thể ngâm nga bài Penny Lane đến hai mươi lần trong ngày. Anh bạn thông báo ” Mình đã hoàn toàn đúng khi nhận cô ấy.” Chúng tôi trả cô ta mức lương gấp rưỡi so với các công ty bình thường khác, thưởng năm tháng và còn cho nghỉ phép 10 ngày vào mùa hạ và mùa đông. Do đó, mọi người đều phấn khởi, và cửa hàng nhanh chóng có tiếng.

Văn phòng gồm một phòng ăn kiêm luôn phòng bếp và hai phòng khác. Một điều bất tiện là phòng ăn đã kiêm luôn phòng bếp lại nằm giữa hai phòng này. Chúng tôi rút thăm, kết quả tôi nhận phòng hậu, còn anh bạn thì được căn phòng gần lối ra vào nhất. Cô gái ngồi trong phòng ăn xử lý sổ sách, lau dọn các vết bẩn (1), đặt bẫy gián, tất cả đều trong giai điệu của Penny Lane.

Vì công việc đòi hỏi, tôi mua vài khoang để tài liệu và đặt mỗi bên một chiếc lên bàn. Chiếc bên trái đựng những tài liệu đến, cần dịch, chiếc bên phải đựng các tài liệu đi, đã dịch xong chờ gửi đi.

Thật là một mớ hỗn độn các tài liệu và khách hàng. Bất kì thứ gì, từ các bài báo khoa học của Mỹ về độ bền của quả bóng trong tình trạng chịu áp lực tới cuốn Tất cả các cách pha Cocktail của Mỹ năm 1972. Từ các bài luận của William Styron đến các bài quảng cáo dao cạo râu an toàn. Bài nào cũng gắn một phiếu ghi hạn chót, ngày này ngày này và nằm trong khoang bên trái cho tới một thời hạn hợp lý, được chuyển sang khoang bên phải. Mỗi lần xong một bài dịch, tôi lại làm hai nhấp Whisky.

Một trong những điểm mấu chốt của việc dịch thuật là không được cho các quan điểm cá nhân vào. Tay trái anh có một đồng xu. Anh đặt tay phải lên tay trái, rút tay trái ra, đồng xu lại nằm trên tay phải.

Đó là tất cả những gì phải làm.

Tôi thường tới nơi làm việc vào lúc 10 giờ sáng và ra về lúc 4 giờ chiều. Mỗi thứ bảy, chúng tôi thường vào một sàn nhảy gần đó, nhảy vài điệu Santana trong hơi men rượu J&B.

Thu nhập tương đối được. Sau khi trừ đi các khoản tiền thuê văn phòng, các chi phí bất thường, trả lương cho cô gái, trả thù lao việc dịch bán thời gian cho sinh viên, và trừ đi thuế, chúng tôi chia phần còn lại làm mười phần. Một phần được gửi vào quỹ tiết kiệm của công ty, năm phần cho anh bạn và bốn phần còn lại là của tôi. Cách chia của chúng tôi khá thô sơ, chúng tôi đặt cục tiền bằng nhau lên bàn, nhưng điều đó cũng khá thú vị. Nó luôn làm tôi nhớ đến trò poker giữa Steve McQueen và Edward G.Robinson trong cuốn Cincinnati Kid.

Tôi cho rằng tỉ lệ chia 5-4 là công bằng. Rút cuộc, chính anh mới là người điều hành công ty, chính anh là người dìu đỡ và bắt tôi ngậm miệng mỗi khi tôi uống Whisky quá chén. Hơn nữa, anh còn phải vật lộn để nuôi bà vợ ốm đau cùng đứa con ba tuổi cùng một chiếc xe Wolkswagen cứ định kì phải sửa chữa. Và cứ như thể còn chưa đủ, thỉnh thoảng anh lại mắc vào chuyện nọ chuyện kia.

“Thế còn tôi thì sao? Tôi còn phải lo cho hai cô gái sinh đôi.” Tôi bật nói. Nó cũng chả có sức nặng gì lắm, nên anh vẫn cứ lấy 5 phần còn tôi chỉ 4.

Tôi đã qua cái tuổi hai tư, hai nhăm như thế đó. Giống như bao chiều bình an dưới ánh mặt trời.

“Bất kỳ là của ai viết,” Tờ quảng cáo in offset ba màu của chúng tôi khoác lác “không có gì chúng tôi không chuyển thể hợp lý được.” Cứ khoảng nửa năm, khi công việc kinh doanh rơi vào giai đoạn trầm lắng, tôi lại đứng trước ga Shibuya phát tờ rơi.

Thời gian đã trôi qua như thế trong bao lâu? Tôi ở đó, qua lại trong một màn tĩnh lặnh không dứt. Xong việc và về nhà, tôi lại uống những tách cà phê rất ngon do hai cô gái pha và đọc “Critique of Pure Reason” trong quãng lê thê ấy.

Khi đó, tôi cứ cảm giác những gì mới xảy ra hôm qua đã cách xa hàng năm trước, còn những gì hàng năm trước lại như chỉ mới hôm qua. Nếu mọi chuyện đã rời khỏi tầm tay, thì những năm tháng sắp tới lại chỉ như vừa mới hôm qua. Hoặc để không nghĩ thế, tôi dịch một bài báo của Kenneth Tynan về Polanski lấy trong số báo Esquire tháng 9 năm 1971, dành tất thời gian chỉ chăm chú vào vòng bi.

Hàng tháng, hàng năm trời, tôi cứ trầm mình trong một cái bể không đáy.

Trong làn nước ấm, ánh sáng dìu dịu, và tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng.

***********

Chỉ một cách duy nhất giúp tôi phân biệt hai cô. Đó là nhìn chiếc áo ngoài.

Đó là chiếc áo ngắn tay mặc khi trời dịu lạnh, màu nước biển đã nhạt, có dòng chữ trắng kẻ ngang trên ngực. Một số là 208, số kia là 209. Số 2 sẽ nằm trên ngực phải, số 8 và số 9 sẽ nằm trên ngực trái. Hai con số 0 bị kẹp ngay giữa.

Ngay ngày đầu tiên, tôi đã hỏi hai chị em ý nghĩa của hai con số đó. Họ nói rằng chúng chẳng có nghĩa gì cả.

“Trông nó như số serial của nhà sản xuất.”

“Thật sự trông nó giống như thế lắm à?” một cô hỏi.

“Ừ, có vẻ như có rất nhiều người giống hai cô, thế nên các cô phải mang số 208 và 209.”

“Nghĩ mới lạ làm sao.” cô 209 mỉa mai.

“Chỉ có hai chúng tôi từ khi mới được sinh ra thôi,” cô 208 nói “còn áo là chúng tôi được tặng.”

“Ở đâu thế?”tôi ngờ vực.

“Ở buổi khai trương một siêu thị. Họ tặng cho các khách hàng đầu tiên.”

“Tôi là khách hàng thứ 209,” cô 209 nói.

“Còn tôi là khách hàng thứ 208.”

“Thôi được rồi, tôi sẽ nói chúng ta phải làm gì bây giờ.” Tôi nói. “Chúng ta sẽ gọi cô là 208, còn cô sẽ được gọi là 209.”

“Không được rồi,”một cô nói.

“Tại sao không?”

Chẳng nói một lời, hai cô đồng loạt cởi áo ra, đổi cho nhau, rồi mặc vào.

“Tôi là 208 rồi,”cô 209 nói.

“Còn tôi là 209,” cô 208 nói.

Tôi thở dài.

Tuy vậy, vì không có cách nào để có thể phân biệt được hai cô, tôi vẫn phải nhờ đến các con số. Tôi không nghĩ ra cách nào khác được.

Ngoài hai chiếc áo đó, họ gần như không còn quần áo gì khác. Như thể hai cô đi dạo vài nơi, bất thình lình ghé vào căn hộ của một người nào đó và quyết định ở lại.

Điều này cũng không hề khác sự thực là bao. Cứ đầu, tuần, tôi lại đưa cho hai cô một khoản tiền nho nhỏ để phục nhu cầu sinh hoạt cá nhân. Nhưng ngoài thức ăn, họ chẳng tiêu tiền vào việc gì khác, trừ có lần mua hộp đựng bánh bích-quy nhân kem cà phê.

“Hai cô có phiền vì không có đồ mặc không?” tôi hỏi.

“Chẳng sao cả.”cô 208 nói.

“Tại sao lại phải để ý đến sống áo cơ chứ?”cô 209 nói.

Cứ tuần một lần, hai cô lại cẩn thận nhẹ nhàng giặt chiếc áo. Tôi thì nằm trên giường cầm “Critique of Pure Reason” nhưng chỉ để ngước nhìn lên, ngắm hai cô trần truồng trong nhà tắm lần lượt giặt đồ. Những khi ấy, tôi hay có cảm giác trống vắng. Tôi không hiểu tại sao. Kể từ hè năm ngoái, khi mất cái mũ lưỡi trai tại hồ bơi, cảm giác ấy cứ đeo đuổi tôi.

Thông thường, mỗi khi đi làm về, tôi thấy hai chiếc áo mang số 208 và 209 đang đong đưa trên cửa sổ phía nam, tôi lại rưng rưng nước mắt.

********

Tại sao hai cô gái lại chọn căn hộ của tôi? Hai cô định ở lại bao lâu nữa? Và quan trọng nhất, các cô nghĩ mình là ai? Tuổi tác, tiểu sử? Đôi khi tôi lại thấy mình không nên đặt câu hỏi.

Và hai cô, tới lượt mình, cũng không đề cập chút nào tới chuyện ấy.

Ngày tháng qua đi, ba chúng tôi, khi thì uống cà phê, khi thì đi dọc trên sân golf tìm các quả bóng bị sót lại, khi đùa nghịch trên giường. Đọc qua các tờ báo xem các tin tức nổi bật trong ngày là những khi tôi phải giải thích đến hàng tiếng đồng hồ cho các cô. Hai cô gái kém cỏi một cách đáng kinh ngạc. Họ không biết về Burma cũng chẳng biết tới nước Úc. Phải mất tới 3 ngày để các cô hiểu rằng Việt Nam bị chia làm hai miền, và hai miền này đang đánh nhau. Lại mất 4 ngày nữa để giải thích tại sao Nixon đánh bom Hà Nội.

“Thế anh ủng hộ bên nào?” cô 208 hỏi.

“Bên nào nghĩa là sao?”

“Anh biết rồi đấy, Bắc hay Nam?” cô 209 nhấn mạnh.

“Hừm, khó nói lắm.”

“Ý anh là sao?” 208 tiếp tục.

“Ý tôi là tôi không sống ở Việt Nam.”

Cả hai cô đều không chấp nhận lời phân tích này. Chết tiệt, đến chính tôi cũng không chấp nhận được.

“Họ đánh nhau vì cách họ nghĩ khác nhau, phải không?” cô 208 lại hỏi.

“Cô có thể cho là thế.”

“Vì có hai cách nghĩ trái lập nhau. Tôi nói thế có đúng không?” cô 208 tiếp tục.

“Ừ, nhưng … có lẽ phải có đến hàng triệu trường phái tư tưởng đối lập nhau trong cái thế giới này. Không, vấn đề còn hơn thế cơ.”

“Cho nên mọi người khó là bạn của nhau được?” cô 209 bối rối.

“Tôi nghĩ là không.” Tôi nói, “hầu như khó có ai là bạn của nhau được hết.”

Dostoyevsky đã tiên liệu thế. Tôi chỉ nhắc lại mà thôi.

Trong những năm 70 tôi đã sống như thế đấy.