Pinball, 1973 (1)
Pinball, 1973 (1)

Pinball, 1973 (1)

Pinball, 1973

Trước đây, tôi thường thích nghe chuyện kể về những vùng đất xa xôi. Đó là điều tâm lý hoàn toàn tự nhiên.

Đã có một thời, chừng 10 năm trước, tôi thường bám theo mọi người để nghe họ kể về nơi họ đã sinh ra và lớn lên.

Dường như ít ai lắng nghe và thấu hiểu họ, nên bất kì ai nghe tôi đề nghị cũng đều kể lại chuyện đời mình trong xúc cảm dạt dào. Những người thậm chí chưa từng quen biết cũng dần dà coi tôi như một người tri âm.

Điều này cũng giống như người ta tung một hòn sỏi xuống chiếc giếng khô: tôi nghe những mẩu chuyện phong phú ấy theo cách của mình. Để rồi cuối cùng khi chuyện đã hết, họ trở về nhà trong tâm trạng phấn chấn. Có người thì kể lại hài lòng, có người lại tuôn trào trong cơn giận dữ. Có một vài người kể thật rõ ràng, nhưng lại có người khác kể không đến đầu đến đũa khiến tôi không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Lại có những câu chuyện nhạt nhẽo, sướt mướt và vô vị. Tuy vậy với cả những câu chuyện ấy tôi cũng chú ý lắng nghe.

Mỗi người đều có một chuyện lòng mà sống chết phải kể với một ai đó, hoặc phải hét toáng lên cho thoả. Ai biết tại sao? Tôi có cảm giác rằng mình đang trông giữ một lũ khỉ (1).

Tôi sẽ cho đám khỉ ra cùng một lúc, phủi sạch bụi cho chúng, vỗ vào mông và khiến chúng chạy cuống cuồng ra cánh đồng. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được chúng đi đâu. Có lẽ chúng sẽ kết thúc những ngày tháng cuối cùng của đời mình trong khi gặm nhấm ngô đồng đâu đó. Nhưng rút cuộc, đó là số phận của chúng.

Có một điều đáng nói. Có đôi chút kết quả sau những nỗ lực. Giờ đây tôi nghĩ, nếu có cuộc thi Người Nghe Chuyện Miệt Mài Nhất Thế Giới thì chắc chắn tôi sẽ giật giải. Và tôi sẽ giật được giải thưởng là một hộp diêm.

Trong số những người nói chuyện với tôi có một người từ sao Thổ và một người từ sao Kim. Tôi thực sự bị câu chuyện của họ cuốn hút. Trước hết là câu chuyện về sao Thổ.

“Ở đó lạnh kinh khủng”, anh ta rú lên, ” Chỉ nghĩ đến đã thấy kinh rồi”.

Anh ta tham gia một nhóm chính trị đã chiếm giữ toà nhà số 9 của trường Đại học. Phương châm của họ là “Hành động quyết định Tư tưởng – không phải ngược lại”.(2)

Không ai tính đến điều gì đã nảy sinh hành động. Chẳng sao, toà nhà 9 có một máy lạnh, điện thoại, đồ đun nước. Trên tầng, họ có một phòng nghe nhạc xinh xắn với dàn loa Altec A-5 cùng bộ sưu tập 2000 đĩa nhạc. Nó thực sự là một thiên đường ( cứ cho là thế, nếu so sánh với toà nhà 8, nơi giống cái nhà cầu của một trường đua ngựa). Sáng sáng, họ cạo râu sạch sẽ và tắm rửa thoải mái bằng nước nóng. Đến chiều, họ có thể gọi bao nhiêu cú điện thoại đường dài tuỳ thích. Cuối cùng, khi mặt trời lặn, họ tụ tập và nghe nhạc. Đến hết mùa thu, bất cứ thành viên nào của toà nhà đều trở thành một fan hâm mộ nhạc cổ điển.

Rồi vào một chiều trời đẹp tháng Mười Một, cảnh sát chống bạo động tiến vào toà nhà số 9. Khi đó, bản L’Estro Armonico đang mở hết cỡ. Tôi không còn nhớ rõ mọi chuyện, nhưng đó là một trong những chuyện ấm áp nhất trong năm 1969.

Khi tôi qua vòng chiến hào làm bằng các ghế băng được chất đống, bản Sonata cho Piano của Haydn trên gam Son thứ đang dạo nhẹ nhàng. Không khí ấm cúng và thân mật tựa như một con đường ven dốc đứng đổ bừng những nụ hoa sansanquas dẫn tới nhà cô bạn gái. Anh chàng đến từ sao Thổ mời tôi ngồi chiếc ghế đẹp nhất phòng, rót đầy bia ấm vào vại tống, vốn được lấy trộm từ toà nhà nghiên cứu khoa học.

” Và hơn hết mọi thứ, trọng lực ở đó quả là khủng khiếp “, anh ta tiếp tục nói về sao Thổ, ” đã có những thằng ngốc tự đánh vỡ mắt cá chân chỉ vì cẩu thả nhổ bã kẹo cao su. Quá khủng khiếp”

“Ờ mình cũng nghĩ thế”. Tôi bật ra sau một vài giây ngập ngừng. Đến khi ấy, có lẽ tôi đã phải nói hàng trăm câu ngớ ngẩn vớ vẩn tương tự để đưa chuyện vào những lúc im lặng.

” Mặt trời cũng thế, quá nhỏ bé. Này, ngay sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ trở lại sao Thổ. Và tôi sẽ xây dựng nên một quốc gia vĩ đại. Một cuộc cách- cách mạng”

Như vậy, tôi chỉ cần nói rằng tôi rất thích nghe chuyện về những vùng đất xa lạ. Dần dà, tôi đã tích trữ được hàng kho chuyện kể, gần giống của gấu tích đủ mỡ cho kỳ nghỉ đông. Tôi chỉ cần nhắm mắt lại, và thế là đường phố hiện hữu cùng dọc ngang nhà cửa. Tôi có thể nghe được tiếng trò chuyện của người người, cảm giác được vẻ hiền hoà mà vững chãi của họ, những con người xa xôi nào đó tôi chưa từng gặp mặt.

(1) Nguyên văn … bản dịch tiếng Anh: “cardboard box crammed full of monkeys” Monkey cũng có nghĩa là chuyện nghịch ngợm, vớ vẩn, tầm phào. Không biết bản gốc thế nào, người dịch có chơi chữ không, nhưng không dịch được.

(2) Trong lịch sử Nhật bản, có một phong trào nào đó trong giới sinh viên, do những biến động cụ thể nào đó của văn hoá xã hội Nhật, của tâm lý. Điều này cũng bắt gặp trong Rừng Na-uy.

(3) Trước đây vài năm, em có một bài viết trên 3m nói về ông này, chả ai hưởng ứng vì hình như chả ai biết. Hỏi cái bác con mẹ gì Khương Việt Hà chuyên gia văn hoá Nhật bác ấy chả thèm giả nhời. Con mẹ nhà bác ý.

***********

Naoko thường kể cho tôi nghe nhiều điều. Và tôi nhớ từng lời của nàng.

“Em không làm sao có thể sắp đặt được” Nàng mỉm cười. Nàng ngồi đó, trong sảnh trường Đại học chan hoà ánh nắng, khuỷu tay tì lên bàn, má úp trong đôi lòng bàn tay. Tôi kiên nhẫn chờ nàng nói tiếp. Cũng như mọi lần, nàng lại tốn thời gian để chọn đúng từ.

Vậy là chúng tôi ngồi, có một chiếc bàn trà bằng nhựa đỏ giữa chúng tôi. Trên bàn là một chiếc tách bằng giấy đầy tàn thuốc. Chiếc cửa sổ trên cao để lọt qua những tia nắng chiếu thẳng vào một bức hoạ của Roben. Ánh nắng chia đôi chiếc bàn thành hai nửa sáng tối. Tay phải tôi đặt vào phần sáng, tay trái ở phần tối.(1)

Bạn biết đấy, vào mùa xuân năm 1969, chúng tôi mới bước sang tuổi hai mươi. Và cùng với những sinh viên mới toe đi những đôi giầy thể thao mới coóng, cầm những quyển vở ghi mới tinh và đầu nhồi nhét những tư tưởng cũng mới nốt. Khó có thể có chỗ cho chúng tôi bước cùng trong sảnh. Quanh chúng tôi, bọn tân sinh viên rồng rắn không ngớt nối đuôi nhaum trao đổi những lời lăng mạ hoặc khen ngợi.

” Cái thị trấn ấy chả có gì đáng nói đến”, nàng tiếp, ” Có đường ray vạch một vạch thẳng tít tắp và một nhà ga. Một nhà ga nhỏ xíu tội nghiệp mà người lái tầu sẵn sàng bỏ bến trong ngày mưa”.

Tôi gật đầu. Rồi đến tận ba mươi giây, cả hai chúng tôi lơ đễnh nhìn dòng khói thuốc lững lờ trong ánh Mặt trời.

” Một con cún con cũng có thể đi hết từ đầu này sang đầu kia của nhà ga. Anh có thể hình dung nhà ga ấy như thế nào rồi đấy.”

Tôi gật đầu.

“Ngay trước nhà ga có một trạm đỗ xe buýt để trả và nhận thêm khách. Và một vài cửa hàng, cửa hàng cũng nhỏ xíu và như đang ngủ gật. Nếu thẳng bước, anh sẽ tới công viên. Công viên có một chiếc cầu trượt và ba cái đu quay.”

” Và một hộp thư?”

” Một hộp thư?” Nàng ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu công nhận, ” có một hộp thư”.

Lại một lần nữa chúng tôi lại chìm vào yên lặng. Tôi cẩn thận dụi tắt điếu thuốc lá vào cái tách bằng giấy.

” Một thị trấn buồn tẻ kinh khủng. Em không thể hiểu nổi tại sao người ta lại xây dựng nên một thị trấn thường thường như vậy”.

” Chúa hành động theo ý Chúa”, tôi chêm vào.

Naoko lắc đầu và cười bâng quơ. Đó là một nụ cười hình chữ A, nhưng nó còn đọng lại trong tâm trí tôi khá lâu. Kể cả lâu sau khi nàng mất, nụ cười của nàng vẫn còn đọng lại, tiếng cười giống tiếng cười của con mèo Chesshire trong truyện Alice ở xứ sở thần tiên, Bỗng nhiên tôi rất mong được nhìn thấy một con chó nào đó đi dọc suốt chiều dài nhà ga.

***********

Bốn năm sau, tháng Năm năm 1973, tôi một mình thăm lại nhà ga. Mục đích chỉ để tìm một con chó. Nhân dịp này, tôi cạo râu, đi đôi giầy Cordovan và lần đầu tiên trong sáu tháng thắt cà-vạt.

***********

Bước xuống từ đoàn tầu hai toa tồi tàn thảm hại đến mức có thể gãy gập bất cứ lúc nào. Cảm giác đầu tiên đến với tôi là hương vị thân quen của mùi cỏ nồng nàn. Tôi nhớ lại những buổi đi picnic cũng mùi hương như thế. Những hồi ức quá khứ, tất cả lồng lộng trong ngọn gió nhẹ một ngày tháng Năm. Tôi nghểnh đầu lên và cố lắng nghe, rồi nhận ra tiếng chim sẻ ríu rít.

Qua một bãi cỏ dài, tôi ngồi xuống một chiếc ghế đợi chờ và buồn bã hút thuốc. Cái tâm trạng phấn chấn khi bước khỏi phòng ban sáng hoàn toàn tan biến. Chẳng có gì ngoài điều xưa cũ lặp đi lặp lại. Hoặc gần như thế. Một sự nhàm chán bất tận, trên bất cứ khía cạnh nào càng lúc càng tệ hại hơn.

Đã có thời bạn bè tôi cùng nhau ngủ chềnh ềnh trên sàn nhà. Rạng sáng, ai đó vô tình dẫm lên mặt tôi. Và sau đó là “Oops, xin lỗi” của người ấy, cái anh chàng dậy sớm đi x. Mọi chuyện i xì như cũ, lặp đi lặp lại.

Tôi nới lỏng cà vạt, điếu thuốc rung rinh một bên miệng. Tôi cọ chiếc đế giày vẫn còn chưa rách hẳn lên sân ga. Để vơi bớt sự đau đớn trong đôi chân. Cái đau không ghê gớm đến thế, nhưng cũng đủ để tôi cảm giác mình đang tan rã ra từng mảnh.

Không thấy có con chó nào.



(1) Những chi tiết này hay gặp trong truyện của Haruki, và thường mang nhiều ý nghĩa. Nhân vật, nhất là nhân vật chính thường sống chập chờn giữa mộng mị và thực tế, cuộc sống và cái chết. Ví dụ trong Norwegian Wood, nhân vật tôi đứng trên mái nhà, lấy một con đom đóm đồng nội nào xưa cũ và thả nó ra. Con đom đóm đồng nội ấy sau một lúc cố gắng, đã bay vào không trung để lại một vệt sáng mờ. Nhân vật tôi đưa tay ra theo vệt sáng ấy, “nhưng không nắm bắt được gì”.

**********

Cảm giác ấy không hề dễ chịu chút nào.

Lúc nào tôi cũng thấy không hề thoải mái và tôi có nghĩ rằng mình được ghép lại từ hai mảnh hoàn toàn khác biệt. Những lúc như thế, tôi cảm giác như mới nốc cạn một cốc Whisky và choáng váng. Và sáng thức dậy, mọi chuyện còn tệ hại hơn. Lại thêm những chuyện nhàm chán lặp đi lặp lại.

Có một lần khi thức dậy, tôi thấy cạnh mình là hai chị em sinh đôi. Đến giờ thì những chuyện kì lạ như thế này đã diễn ra nhiều lần, nhưng chuyện thấy mình nằm giữa hai chị em sinh đôi là lần đầu tiên. Cả hai đều ngủ say li bì, hơi thở phật phồng bên vai tôi. Ấy là một sáng Chủ Nhật trời trong xanh.

Cuối cùng, hai cô tỉnh dậy – gần như đồng thời – và bắt đầu mặc lại áo quần vứt trên giường. Không nói một lời, hai cô vào bếp, sửa soạn bánh mỳ và cà phê, lấy bơ từ trong tủ lạnh và đặt tất cả lên bàn. Họ biết mình đang làm gì. Ngoài cửa sổ, chim chóc đậu trên hàng rào của sân golf – tôi không biết là loài chim gì – kêu ríu rít.

” Tên gì?” Tôi hỏi, đầu đau như búa bổ vì quá chén.

” Chẳng đáng gọi là tên đâu,” cô ngồi bên phải nói.

” Đúng đấy, chẳng có gì đặc biệt đáng để gọi là tên cả”, cô ngồi bên trái nói ” Anh hiểu đấy.”

” Ừ, tôi hiểu,” tôi nói.

Và bọn tôi ngồi đối diện qua chiếc bàn, gặm bánh mỳ và uống cà phê. Cà phê pha rất ngon.

” Liệu điều đó có khiến anh thấy bất tiện không, việc chúng tôi không có tên ấy?” một cô hỏi.

” Ừm, cô nghĩ thế nào?”

” À, nếu anh thấy cần phải gọi chúng tôi bằng một cái tên, cứ chọn tên nào phù hợp đi vậy,” cô kia gợi ý.

” Cứ gọi tên theo cách anh thích”

Hai cô gái thay nhau nói. Giống như bạn đang dò sóng FM và điều này khiến đầu tôi đau hơn.

” Ví dụ?” tôi hỏi.

” Trái và Phải,” một cô nói.

” Dọc và Ngang” cô kia nói.

” Trên và Dưới.”

” Trước và Sau”

” Đông và Tây”

” Vào và Ra”, tôi cố tham gia để khỏi lạc lõng. Hai cô gái nhìn nhau và phá lên cười vui vẻ.

******************

Nếu có một đường vào, sẽ có một lối ra. Đa số mọi thứ đều như vậy. Các hộp thư công cộng, máy hút bụi, vườn bách thú, chai lọ bằng nhựa. Và tất nhiên, cũng có những thứ không như thế. Ví dụ một cái bẫy chuột.

******************

Tôi đã từng đặt bẫy trong phòng. Tôi dùng kẹo cao su làm mồi. Sau khi lục tung cả căn phòng, tôi chỉ tìm thấy đó là thức ăn khả dĩ nhất tôi có được. Tôi kiếm được nó trong túi áo khoác mùa đông, cùng với một cuống vé xem phim.

Đến sáng hôm thứ ba, một con chuột bé xíu đã không cưỡng lại được số phận. Vẫn còn rất bé, nó có màu lông của những chiếc áo làm từ len Kashmir vốn được chất đống tại các cửa hàng miễn thuế ở London. So với tuổi người, có lẽ nó khoảng mười lăm đến mười sáu tuổi. Một tuổi tuyệt đẹp. Một mẩu kẹo nhắm dở dang còn nằm dưới chân nó.

Tôi không biết phải làm gì với con chuột đã bẫy được. Cái chân khẳng khiu vẫn còn bị sợi dây thép kẹp chặt, nó đã chết vào sáng hôm thứ tư. Thấy nó nằm đó, tôi rút ra bài học. Cái gì cũng cần một lối vào và một lối ra. Đó là điều cơ bản.

***************

Dọc trên những ngọn đồi, đường ray xe lửa kéo một vạch thẳng tắp như kẻ chỉ. Phía trước xa xa, bạn có thể thấy những cánh rừng như những mảng giấy màu xanh nhạt. Đường ray ánh lên dưới ánh Mặt trời và biến vào không gian vô tận. Dù bạn có tiếp tục bước đi nữa, khung cảnh vẫn bất động như thế mãi mãi. Hơi buồn nghĩ liệu có điều gì khác không. Tôi muốn một ngày được đi qua đây bằng tàu điện ngầm.

Tôi hút xong điếu thuốc, vươn người và ngắm trời. Đã lâu lắm rồi kể từ khi tôi thực sự ngắm nhìn bầu trời. Hoặc đã lâu lắm rồi kể từ khi tôi thực sự ngắm bất cứ một cái gì.

Trời không một gợn mây. Còn hơn thế, khung cảnh bao trùm trong một màu bàng bạc, lừ đừ đặc trưng của mùa xuân. Ở tít trên cao, ngàn xanh đang gắng sức để xuyên thủng cái bức màn dày đặc đó. Những tia nắng vẫn chiếu như những đám bụi vàng khắp không gian, trải đầy trên mặt đất mà không ai nhận thấy.

Ánh sáng ngự trị trong làn gió ấm. Khí trời chuyển động nhẹ nhàng như hàng đàn chim nhảy nhót nô đùa trên cây, đang tập hợp lại đế chuẩn bị bay đi. Những làn gió đều đặn tạt qua con dốc xanh mượt mà chạy dài cùng con đường sắt, băng qua rồi lẩn quất vào những cánh rừng, không mảy may rung rinh một chiếc lá. Có tiếng chim cúc cu rộn ràng vượt lên trên khung cảnh êm đềm, âm vọng của nó vụt tắt sau đỉnh dốc.

Một loạt các đỉnh đồi hiện ra và lại biến mất, giống như những con mèo khổng lồ đang lim dim cuộn mình trong bể sáng của thời gian.

*****************

Để tôi kể bạn nghe đôi lời về cái giếng.

Khi 12 tuổi, Naoko chuyển nhà tới đây. Năm 1961. Năm ấy, Ricky Nelson hát bài “Hello Mary Lou”. Đó là một thung lũng xanh yên ả, chẳng có gì đặc biệt nào làm bạn chú ý cả. Vài nông trại với vài cánh đồng, một con suối nhỏ có rất nhiều tôm, có một đường sắt địa phương với một nhà ga bé bằng cái lỗ mũi, và chỉ có thế. Hầu hết các nông trại đều trồng cây hồng vàng trong vườn, và những nhà kho mục nát do thời tiết lệch hẳn sang một bên, hay đúng hơn, đang lung lay sắp sập. Và có những tấm biển tôn rẻ tiền quảng cáo cho khăn giấy hay xà phòng đóng đinh trên bức tường đối diện với đường ray. Nơi đây là vậy. Không hề có một con chó nào. Đúng như Naoko đã nói.

Ngôi nhà mà nàng dọn tới là một biệt thự hai tầng theo kiến trúc phương Tây được xây đâu đó thời chiến tranh Triều Tiên. Phải thừa nhận là không rộng lắm, nhưng những thân gỗ to khoẻ được chọn làm nhà khiến nó có vẻ vững chãi. Ngoại thất, được chôn bằng ba màu xanh, đã nhạt dần trong nắng, gió và mưa hoà hợp với khung cảnh đồng xung quanh. Có một khu vườn rất rộng, một số cây to và một cái hồ xinh xinh. Giữa làn cây là một ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ hình bát giác được dùng làm studio, có cửa sổ cùng những chiếc rèm đăng-ten đã ngả sang một màu gì khó gọi tên. Tới hồ, hoa thuỷ tiên vàng nở rực rỡ. Cứ sáng sáng, chim chóc lại tới uống nước.

Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà, cũng là người thiết kế ra nó, là môt hoạ sỹ vẽ tranh sơn dầu đã có tuổi. ông bị bệnh phổi và đã chết vào mùa đông năm trước khi Naoko dọn đến. Đó là năm 1960, năm Bobby Vee hát bài “Red Rubber Ball”. Năm ấy mùa đông mưa nhiều khủng khiếp. Tuyết không rơi, trừ khi mưa lạnh ở nhiệt độ quá thấp. Mưa xoáy vào mặt đất, làm tung nền đất thành những vết nham nhở. Nhưng ở dưới sâu, nó lại hình thành nguồn nước ngầm dồi dào.

Cứ năm phút đi bộ dọc đường ray lại có một người đào giếng. Và ở cuối khu vực gần con suối, cứ hè là hàng đàn ruồi muỗi ếch nhái lại lổn nhỗn khắp khu biệt thự. Người đào giếng là một người kỹ tính, cục cằn và khoảng 50 tuổi, nhưng hễ động tới đào giếng hắn ta lại có tài bẩm sinh. Khi được thuê đào, đầu tiên ông ta mất vài ngày đi quanh khu vực, ngửi hít những mẩu đất lấy lên từ đó. Rồi ông ta thấy vài chỗ vừa ý, rồi gọi nhân công. Và cứ thế người ta đào thẳng xuống.

Đó là lý do tại sao người dân ở đây có nước giếng rất ngon. Nước mát, trong vắt khiến bạn có thể chửi thề không hề nhìn thấy chiếc cốc trên tay. Vài người còn đồn rằng dòng nước xúât phát từ dòng tuyết tan ở đỉnh Fuji. Nhưng đó là điều bất khả. Không có cách nào cho nước chảy về từ xa như vậy cả.

Mùa thu năm Naoko mười bảy tuổi, người đào giếng đã chết vì tai nạn xe lửa. Mưa quá to, cùng với rượu sakê ướp lạnh và môi trường khó nghe rõ là nguyên nhân. Hàng ngàn mảnh vụn của xác ông ta bay khắp cánh đồng. Chỉ còn năm mảnh to được gom lại khi bảy người cảnh sát phải dùng gậy để ngăn cản đàn chó đói. Nhưng ngay thế, cũng có một phần rơi xuống hồ. Cá đã ăn sạch.

Người đào giếng có 2 đứa con trai. Cả hai đều rời đi không tiếp bước cha. Không ai tới nhà ông ta nữa. Ngôi nhà bị bỏ hoang, và dần dần chắc chắn nó sẽ mục nát.

Và từ đó, những giếng nước ngầm tốt không còn xuất hiện thêm trong vùng. Dầu thế, tôi vẫn thích những chiếc giếng. Mỗi khi nhìn thấy một cái giếng, tôi không ngăn nổi bản thân thả một hòn đá vào. Không có âm thanh nào ngọt lịm như tiếng viên đá chạm mặt nước và chìm sâu xuống đáy.

Việc gia đình Naoko chuyển nhà tới đây vào năm 1961 là hoàn toàn do quyết định của cha nàng. ông là người bạn thân của người hoạ sỹ quá cố, thế nên tất nhiên ông cũng yêu quý nơi này.

Thoạt đầu, ông là một học giả đáng kính nghiên cứu về văn học Pháp. Rồi bỗng nhiên ông bỏ trường đại học và giành thời gian dịch các văn bản cổ xưa và những thứ tương tự. Những thiên thần gãy cánh, các thầy tu sa đoạ, những con quỷ ma cà rồng, toàn những chuyện lặt vặt, tẹp nhẹp. Tôi không nhớ các chi tiết lắm. Chỉ một lần duy nhất tôi nhìn thấy ảnh của ông, trên một tờ tạp chí. Theo lời kể của Naoko, thời trẻ ông đã sống một cuộc sống đầy màu sắc và hơi lập dị. Ngay bức ảnh cũng lột tả phần nào lối sống ấy của ông. Trong ảnh, ông đội một cái mũ lưỡi trai, đeo kính râm, cái nhìn soi mói của ông tập trung vào một điểm xa xôi nào đó chứ không phải vào ca-me-ra. Có lẽ ông đã thấy được điều gì đó…

******************

Vào thời điểm Naoko và gia đình đến ở, dường như trong khu vực có một xu hướng tự cô lập hình thành trong khu vực. Nói đúng ra, giống như vào thời Nga Sa hoàng, các tên tội phạm chính trị bị đầy biệt xứ tại Xi-be-ri.

Tôi đã đọc đôi chút về hình phạt này trong hồi ký của Trotsky, nhưng vì vài nguyên nhân, tôi chỉ nhớ nhất những đoạn viết về những con gián và những con tuần lộc. Và đây là mẩu chuyện viết về những con tuần lộc.

Hình như Trotsky đã trốn khỏi án đầy biệt xứ trong màn đêm đen bằng cách ăn trộm một chiếc xe tuần lộc. Cỗ xe bốn con tuần lộc chạy xuyên qua vùng bạc trắng của lãnh nguyên băng hà vĩnh cửu. Hơi thở của chúng đóng thành những hạt tuyết trắng trong giá lạnh, móng hất tung hối hả lớp tuyết phẳng không có dấu chân người đi qua. Hai ngày sau, khi tới một nhà ga gần nhất, đám tuần lộc đã khuỵu xuống vì kiệt sức và không bao giờ có thể đứng lên được nữa. Trotsky đã ôm lấy đám tuần lộc và hét lên, nước mắt lã chã tuôn rơi.

Ông nói, bằng bất kì giá nào, ta cũng sẽ mang lại công bằng, lý tưởng, và hơn hết, cách mạng cho toàn quốc gia. Đến tận ngày nay, tại quảng trường Đỏ sừng sững bức tượng bốn con tuần lộc bằng đồng. Chắc rằng những người tham quan Moscow vẫn đi tới lui trong quảng trường Đỏ ấy vào các buổi sáng chủ nhật.

Đó là khi những đứa trẻ phúng phíng má hồng, vẫn đang tuổi học trò, ào tới, thở ra từng làn khói trắng, vuốt ve đám tuần lộc.

Nhưng để tiếp chuyện về khu biệt lập ở đây. Những thành viên của nó tránh những khu vực bằng phẳng gần nhà ga, chọn xây nhà ở những nơi xa xôi cách chân đồi. Ngôi nhà nào cũng rộng rãi tới mức không thể tin được, với những cái hồ và ngọn đồi nhỏ, cây cối mọc um tùm không hề được chăm sóc. Có lãnh địa thậm chí có cả con suối cho đầy cá tươi ngon.

Những cảm xúc ấy thức dậy trong sớm mai nghe tiếng chim cu gáy ríu rít. Chúng nhảy quanh vườn ăn hạt sồi, và dừng lại đón làn nắng nhẹ tuôn trào qua các kẽ lá.

Nhưng rồi vật chuyển sao dời, làn sóng đô thị hoá tiến theo cấp số nhân, và đường nhựa cũng được mở tới tận đây. Vào thời gian diễn ra Olympic Tokyo. Những vạt rừng dâu tằm bát ngát dưới những ngọn đồi như biển xanh bị san ủi thành một vùng đất hoang, đen sẫm và đáng sợ. Nơi này sẽ dần dần mang dáng hình của một thị trấn bình thường, mở rộng từ một nhà ga trung tâm.

Nơi ở mới chủ yếu dành cho tầng lớp trung lưu, những con người sớm đi tối về bằng xe lửa. Họ bật dậy như một chiếc đồng hồ báo thức ngay sau 5 giờ sáng, chỉ đủ thời gian rửa mặt trước khi lên tàu, và về nhà rất muộn vào nửa đêm, trông như chết rồi.

Các buổi chiều ngày chủ nhật là thời gian thư giãn duy nhất để họ có thể ngắm nghía được thị trấn và ngôi nhà mới của mình. Và, gần như đồng nhất, ai cũng nuôi chó. Những con chó được lai giống thả lang thang khắp nơi. Ý của Naoko như vậy khi nói rằng ở đây từng không có con chó nào.

*******************

Tôi đợi cả tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy con chó nào. Tôi đã châm lửa rồi dập đi hàng chục điếu thuốc. Tôi bước tới giữa sân ga, uống ừng ực những ngụm nước lạnh toát từ một vòi nước gần đó. Vẫn không thấy một con chó nào.

Đằng sau nhà ga có một chiếc hồ to. Một chiếc hồ rộng nhưng uốn khúc ngoắt ngoéo như thể hình thành từ một con suối. Hai bên bờ cỏ dại xanh rờn mọc cao ngút, và thỉnh thoảng lại có một con chó nhảy vọt lên trên mặt nước. Dọc theo mép nước có một vài người môi mím chặt, cầm cần câu thả một đường cước thẳng xuống mặt nước. Sợi cước không hề rung rinh, nó như những chiếc kim bạc gắn vào mặt nước. Vậy đó, cảnh ấy trong những ánh chậm rãi của một buổi chiều xuân, có một con chó trắng rất to của một trong những người đi câu, hít hà đánh hơi đám cây ba lá.

Khi con chó chỉ còn cách tôi mười thước, tôi tựa người vào hàng rào nhà ga và gọi nó. Con chó ngẩng đầu lên và nhìn tôi với đôi mắt màu nâu sáng, đôi mắt buồn bã nhất tôi đã từng thấy, và vẫy đuôi vài lần. Tôi búng tay, con chó lại gần, đưa cái mũi ướt qua hàng rào và liếm tay tôi bằng cái lưỡi dài của nó.

“Này quay lại đây”, tôi gọi khi nó bỏ đi. Con chó có vẻ do dự quay lại, lại vẫy đuôi như chừng lời kêu gọi của tôi chưa đủ thuyết phục.

“Lại đây nào, tao ngán phải chờ đợi lắm rồi”.

Tôi lấy một thanh kẹo cao su ra khỏi túi, giơ giấy gói lên cho con chó nhìn. Con chó nhìn lên chiếc kẹo một lát, trước khi quyết định quay trở lại hàng rào. Tôi vuốt ve đầu nó vài cái, nắn viên kẹo thành hình cầu, đặt trong lòng bàn tay, rồi ném về đầu kia của nhà ga. Con chó lao vụt đi như tên bắn.

Tôi về nhà, lòng thoả mãn.

***********

Trên chuyến tàu trở về, tôi tự nhủ bản thân rằng mọi sự đã qua rồi. Nó đã ra khỏi hệ thống của tôi và tôi hãy quên nó đi. Mày đã đạt được mục đích của mày, đúng không? Vậy mà tôi không thể gạt bỏ cái địa điểm ấy ra khỏi tâm trí mình. Cũng không thể quên một điều là tôi đã yêu Naoko. Cũng không thể một sự thật là cô ấy đã chết. Sau tất cả, tôi vẫn chưa rút ra được vấn đề gì.

*********************

Sao Kim là một hành tinh rất nóng, được che phủ đầy những mây. Một nửa dân số chết sớm do cái nóng và độ ẩm. Sống được 30 năm thì đã là một thành tích. Nhưng cũng vì vậy, người dân sống rất thoải mái. Tất cả đều yêu quý nhau. Họ không hề căm ghét, phân biệt hay có ác cảm với bất cứ ai. Thậm chí họ không bao giờ chửi thề. Không có ám sát, không đánh lộn. Chỉ có tình yêu và sự tôn trọng.

“Tuy thế, phải nói thật là nếu có ai chết chúng tôi cũng không hề cảm thấy buồn”, anh chàng từ Sao Kim, một anh chàng rất trầm tính, nói “Lẽ ra chúng tôi phải thể hiện tình yêu thương mức độ cảm động nhiều hơn khi một người chết. Như thế thì sau đó mới không có sự tiếc nuối.”

” Vậy là các anh đã thể hiện tình cảm trước rồi?”

“Hừm, ngôn ngữ các anh dùng nghe lạ tai quá” anh ta nói, lắc đầu.

” Và thế là mọi điều đều qua đi, không có chút rắc rối nào?” tôi hỏi.

“Nếu không thì”, anh ta nói, ” Sao Kim sẽ chìm trong phiền muộn”.

***********

Tôi về phòng mình, thấy hai cô nàng sinh đôi đang cuộn tròn trong chăn như hai con cá hộp, cười khúc khích với nhau.

“Mừng anh về nhà”, một cô nói.

“Anh vừa đi đâu thế?”

“Ga xe lửa”, tôi nói, nới lỏng cà vạt và chui vào nằm giữa hai cô. Tôi mệt nhoài.

“Ga nào? Ở đâu?”

“Anh đến đó làm gi?”

“Nhà ga đó cách đây rất xa. Đến chỉ để tìm một con chó.”

“Loại chó nào thế?”

“Anh thích chó à?”

“Một con chó trắng rất to. Không, tôi không thực sự yêu chó.”

Tôi châm một điếu. Đến khi tôi hút xong điếu thuốc, không ai nói một câu nào.

“Có điều gì làm anh buồn à?”, một cô hỏi.

Tôi lặng lẽ gật đầu.

“Thế sao anh không ngủ một chút?” cô kia nói.

Và thế là tôi lăn ra ngủ.

**************

Từ đầu đến giờ, dường như là tôi đã kể một câu chuyện của riêng mình. Nhưng đây cũng là chuyện của một người khác, chúng ta gọi là Chuột. Mùa thu ấy, hai chúng tôi, tức là anh và tôi, ở cách xa nhau tới gần 500 dặm.

Tháng 9 năm 1973, đó là thời điểm bắt đầu của câu chuyện này. Đó là một lối vào. Chúng ta hãy hy vọng rằng sẽ có một lối ra. Nếu không có, viết lách bất cứ một điều gì cũng trở thành vô nghĩa.

Về nguồn gốc của máy Pinball

Đầu tiên chúng ta cần biết cái tên Raymond Maloney. Dường như có một người có cái tên đó, nhưng ông ta đã chết. Đó là tất cả những gì chúng ta được biết về cuộc đời ông. Điều này cũng có nghĩa rằng chẳng ai biết gì về ông cả. Không khác gì chuyện từ đáy giếng thăm thẳm người ta nhìn lên một con nhện nước.

Về khía cạnh lịch sử, đúng ông là người đã sáng chế ra mẫu máy Pinball đầu tiên để rồi được sản xuất hàng loạt vào năm 1934 bằng thứ công nghệ cũ rích thời đó. Cũng vào năm ấy, bên kia cái vũng khổng lồ Đại Tây Dương, một gã Adolf Hitler đã đặt lá tay lên lá cờ Weimar.

Cuộc đời của Raymond Maloney không nhuốm chút màu sắc diệu kì nào như của anh em nhà Wright hay Alexander Graham Bell. Không có những trái tim trẻ tuổi cháy bỏng lửa nhiệt tình, cũng không có nốt những câu “Eureka!” lịch sử. Chỉ một lời sơ sài nhắc đến tên ông trong cuốn sách kì lạ viết cho những độc giả tò mò. Toàn bộ lời ấy như sau: Năm 1934, Raymond Maloney đã phát minh ra máy Pinball. Thậm chí cũng không có đến một tấm ảnh kèm theo. Chả cần phải nói, chúng ta không thể tìm được một bức chân dung hay một tượng đài bề thế nào của ông.

Bạn có thể nghĩ rằng nếu ông Maloney này không có mặt trên đời, lịch sử của những chiếc máy Pinball có lẽ rất khác so với nó đã diễn ra. Hoặc thậm chí nó sẽ không hề tồn tại. Và hơn nữa, đánh giá thấp sáng chế của ông có thể coi là lòng vô ơn cực độ. Nhưng nếu chúng ta có dịp xem xét mẫu hình Ballyhoo đầu tiên của Maliney, một mẫu hình thủ công, tất cả những ý nghĩ ấy sẽ tan biến.

Vì trước đây, chúng ta chưa có những yếu tố nào làm thay đổi định kiến của mình.

Quá trình của Pinball và Hitler có vài điểm tương đồng nhất định. Cả hai đều có xuất phát điểm không chắc chắn, bước lên sân khấu như vài đám bọt của bong bóng thời đại. Đó là nhờ chuyển động của lịch sử chứ không phải từ bất kì nỗ lực cá nhân nào họ có thể có đưọc kỳ tích chói loà đó. Và tất nhiên, cuộc cách mạng lịch sử phải dịch chuyển nhờ ba bánh xe: trí thông minh, công nghệ, đầu tư vốn và cuối cùng không kém phần quan trọng: sự khát khao của con người.

Cùng với một tốc độ kinh hoàng, con người tiếp tục cải tiến chiếc máy đơn giản, không có gì đặc sắc này những tính năng mới hơn. Một ai đó đề nghị “cho đèn vào” và một người khác quát “cho chạy điện”. Vậy mà vẫn có người gào lên “cho thêm chân gạt!”. Và thế là có ánh đèn để trang hoàng cho mặt bàn, điện để tạo từ trường làm lệch hướng bóng, có chân gạt để đưa bóng tiếp tục vào cuộc chơi.

Thành tích để dùng để đánh giá năng lực người chơi được chọn bằng con số 10, trong khi đèn được thiết kế sao cho chịu được việc xếp dỡ và chao đảo mạnh. Sau đó là những khái niệm phức tạp của trò chơi, như Bonus Light, Extra Ball và Replay. Cuối cùng cho đến ngày nay, tên những chiếc bóng Pinball đã hàm chứa một sự phấn khích kì lạ.

***************

Trong cuốn sách giới thiệu về Pinball, đoạn giải thích về Bonus Light có đoạn:

“Bạn có thể có những khoảnh khắc quý giá khi chơi Pinball. Chỉ có một vài đèn bạn có thể ghi điểm. Ngược lại, bạn sẽ mất rất nhiều thứ. Tất cả những tên cớm để dựng lên mỗi vị Tổng thống trong lịch sử ( với điều kiện, nếu bạn nghĩ dựng lên một vị như Richard M. Nixon là tốt đẹp), chứ đừng nói đến phung phí những khoảnh khắc quý giá không quay lại được.

Khi chơi, bạn sẽ thấy mình hoàn toàn chìm đắm cùng chiếc Pinball thì một người khác có thể đã đọc hết Proust. Ai đó lại đang sờ soạng, vuốt ve bạn gái trong nhà hát khi diễn vở “Những chặng đường của lòng can đảm”. Người đầu tiên hoàn toàn có thể trở thành một nhà văn, già dặn trước tuổi, còn hai người kia sẽ thành một đôi hạnh phúc.

Pinball lại không đưa bạn đến bất kì đâu. Chỉ là những ánh đèn để chơi lại. Chơi tiếp, chơi tiếp, chơi tiếp. Rồi bạn cả quyết rằng trò Pinball sẽ dẫn tới sự vĩnh hằng.

Bản thân chúng ta không biết nhiều lắm về sự vĩnh hằng. Nhưng chúng ta có thể hình dung mờ nhạt về nó.

Chủ thể của Pinball không phải ở chỗ bộc lộ, mà ở chỗ tự trỗi dậy. Cũng không phải sự phát triển của bản ngã, mà là sự gò nén bản ngã. Không phải mở ra, mà hoàn toàn thu mình lại. Cho nên, nếu bạn ủng hộ rằng đó là tự bộc lộ hay phát triển bản ngã, bạn sẽ chỉ bị những bóng đèn hiểm ác trả thù tàn bạo. Chúc cuộc chơi vui vẻ.