Đêm chớp biển đường chân trời giật sáng
Đêm chớp biển đường chân trời giật sáng

Đêm chớp biển đường chân trời giật sáng

Trang hâm gọi điện, bẩu “Anh ơi, sang nhà em lấy đồ, em để cho nhà anh con gà ngon lắm anh ạ.” Lúc đó là 5:34pm chiều Chủ nhật, ngày 8/22/2021. Chết dở, còn có hơn hai mươi phút nữa là không được ra khỏi nhà. Giờ này cứ 6pm là đến giờ giới nghiêm, nội bất xuất, ngoại bất nhập rồi. Nhưng bắt đầu từ lúc 0:00am ngày 8/23/2021, Sài Gòn sẽ ở trong trạng thái lockdown hoàn toàn, tất cả mọi người không được ra khỏi nhà. Theo ngôn ngữ của văn bản, việc này là “Thực hiện nghiêm nhà cách ly nhà; tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân; khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn”. (1) Sau 6pm, tôi sẽ không ra khỏi nhà để nhận đồ được nữa, cho nên nó là tình huống it’s now or never, bây giờ hoặc là sau hai tuần nữa.

Còn hơn hai mươi phút nữa là đến giờ giới nghiêm, thôi cố đi nốt vậy. Lấy xe máy ra khỏi hầm, lao đi. Cũng may là tôi đã lấy xe ra nhận đồ từ hồi sáng, nên xe đi không vấn đề. Buổi sáng, sau khi ở nhà hàng tháng trời vì “giãn cách xã hội”, chiếc xe lâu không đựơc đụng đến nên mãi mới nổ được máy, máy cứ nghẹn lại, ặc ặc ngậm ngừng mãi mới rồ được ga. Người giao hàng buổi sáng không thể tìm nổi đựơc đường đến nhà tôi, vì tất cả các đường đều bị chặn bằng hàng rào và dây thép gai, phải gọi điện cho tôi để hỏi đường. Cũng may, tôi đi tiêm vaccine mấy hôm trước, đã phải tìm đường toát mồ hôi để ra khỏi khu nhà. Việc phong tỏa này thực hiện từ khu dân phố (neighborhood), chứ ra được đường chính rồi thì đi lại lại thành rất thông thoáng, vì đường vắng chả có ma nào cả. Người giao hàng nói anh ở đường số 5, mà tôi chả biết đường số 5 là ở đâu. Tôi bảo anh cứ đến đường Nguyễn Hoàng, giao với đường Vũ Tông Phan là có thể tới được.

Tình hình dịch bệnh, retailers đều chết cả. Trước giờ tôi ít khi nhận đựơc mail bán hàng giảm giá. Dạo này có cửa hàng bán lẻ tên là Classic Deli ở quận 7, bán đồ nhập khẩu tương đối cao cấp, thường xuyên gửi email flash sales cho tôi. Thường thì tôi không để ý, nhưng dạo này dịch bệnh ít đi mua sắm được nên bỗng nhiên lọ mọ đặt hàng online.

Hôm bữa tôi mua đựơc loại thịt mà bên Úc gọi là Oyster Blade, tiếng Mỹ thường gọi là Flat Iron, loại này đựơc chào bán có điểm marbling MB4+. Bọn Úc có thang điểm marbling riêng, không giống với điểm Wagyu của Nhật, nhưng loại MB4+ theo taste của tôi là đủ mềm, ngon hơn USDA Prime. Hôm nào Le Square, một retailer bên Thảo Điền, bán USDA Prime ribeye hay tenderloin loại ngon, vân mỡ đẹp, thì đồ hôm ấy trông vẫn còn kém điểm MB4+ một bậc. Classic Deli rao bán cái Flat iron steak đấy giảm 80%, từ hơn một triệu một kí xuống chỉ còn có 210k một kí. Mua cả một khúc lớn nặng hai kí hơn ba kí nguyên trong túi nylon giá hết có hơn 500 ngàn, rẻ hơn thịt bò rẻ tiền bán tươi trên phản của chợ wet market. Mỗi tội mua về phải tự biến mình thành butcher, loay hoay vất vả đến kinh. Xem dân chuyên nghiệp họ làm, vừa có dao sắc, vừa quen tay làm dễ như ăn kẹo. Mình thì nâng lên đặt xuống, nát cả tảng thịt, nhưng cuối cùng vẫn tạm có chục miếng nhỏ để trong tủ lạnh ăn dần. Với mua steak, mặc dù mua của Classic Deli mấy lần thấy đều ưng ý, vân mỡ điểm từ MB4+ đều rất đẹp, tôi vẫn thích mua USDA Prime ở Le Square hơn. Thỉnh thoảng cửa hàng đó bày ra cắt tại chỗ, mình thích cắt miếng lớn miếng nhỏ, chọn miếng khúc đầu hay phía cuối tảng thịt đều được cả. Mỗi lần mua tôi cứ mua hết 5-7 triệu tiền thịt, phân thành từng miếng độ 300-400gram, cất trữ trong tủ khi vợ bận bịu công việc thì mình có cái chống đói. Hồi ở Mỹ tôi cũng từng sống qua thời sinh viên khốn khổ bằng steak như thế.

Thường thì tôi ham mua đồ giá rẻ, mua đồ đựơc bargain cảm giác rất sung sướng. Đó tương tự như khi mua cổ phiếu, trong giai đoạn thị trường giá rẻ, mua cổ phiếu giá độ 4-5x earning, hay chỉ bằng 4-5x dòng tiền, trong khi lợi suất cổ tức đến 15%-20%. Cảm giác đấy đựơc Warren Buffett mô tả như là được vào động tiên vậy, cứ thế mà phang thôi. Tôi mua steak giảm 80%, còn hơn 200k một kí, cá hồi organic gọi là Rainbow trout fillet giảm 55%, rồi bơ sữa phô-mai, nước dứa nước cam gì đó, toàn giảm giá 70%-80% cả.

Chỉ có cái giao hàng là khó khăn thôi. Cửa hàng vừa gửi email giảm giá, thì đến ngày 8/20/2021 công bố tin full lockdown, nhoằng cái đã thấy cập nhật email danh mục giảm giá chỉ còn vài món. Cửa hàng phải làm việc cả chủ nhật, order nào đặt hôm trước đến tận sát lockdown mới giao được. Còn nghĩ đến việc đặt hàng vào hôm chủ nhật 8/22/2021 sát ngày lockdown, cứ mơ đi. Sài Gòn mấy ngày này giao hàng online hết công suất. Bách Hóa Xanh, chuỗi bán lẻ của Thế giới Di động, có doanh số kỉ lục.


Đường từ nhà tôi sang nhà Trang hâm bình thường chỉ mất hơn chục phút đi xe máy. Gần đến giờ giới nghiêm, cảm giác đi ra đường thật lạ. Từ hầm xe đi ra, có một người ra trước rồi rẽ một nẻo khác. Tôi đi hướng khác, đi ra Thái thuận, hướng đó tới hầm cầu Sài Gòn để sang Thảo điền sẽ là gần nhất. Đường chả có ai cả, nhà nào cũng đóng cửa im lìm hết. Ra Thái thuận, ngó sang Nguyễn Quý Đức xem có rẽ phải được không, bị rào thép gai. Đi tới Nguyễn Quý Cảnh, cũng thép gai nốt. Phải quay ngược lại, về hướng Metro (bây giờ là Mega Market) xem đi ra Song Hành có được không. Cũng hàng rào, cũng thếp gai.

Chỉ còn chưa đến hai mươi phút nữa là đến giờ giới nghiêm thôi. Bỏ mẹ, vi phạm lệnh giới nghiêm là như thế nào? Thời nào là thời chiến, thời nào có loạn lạc, thời nào có binh biến? Vi phạm giới nghiêm thì điều gì xảy ra? Vừa đi vừa lo, vừa nghĩ về những điều mình chưa từng được biết. Thế thì cảm giác ở trên đường sát giờ giới nghiêm là một trong những điều lạ lẫm ấy.

Thôi không đựơc rồi, đành đi đường duy nhất tôi biết đựơc là có thể đi được. Đó là ra Nguyễn Hoàng, qua xa lộ Hà Nội để sang Thảo Điền thôi. Ngã giao giữa Nguyễn Hoàng và Vũ Tông Phan cũng có hàng rào, nhưng đường này là đường lớn, người ta để hé đường cho dân tình đi qua. Cách đấy vài trăm mét, không tới vài trăm, chỉ độ 200-300 mét là cùng, giao giữa Nguyễn Hoàng và Song Hành, lại thêm một chốt nữa, có người kiểm soát. Nhưng chưa tới giờ giới nghiêm, họ cũng không hỏi han gì, cứ vậy chờ đèn đỏ xong là đi qua thôi. Càng tới đường chính, càng có xe cộ qua lại. Nhưng không thể nào như thời bình thường được, mới chỉ chưa đến hai năm mà ngỡ cứ như một thế giới khác biệt. Thế giới đã khác xưa, có bao giờ thế gian này quay lại được như cũ hay không đây?

Từ xa lộ Hà Nội, tôi rẽ phải vào đường Thảo Điền. Đường này nhỏ, bình thường xe đi ra, xe đi vào, người rẽ trái, người từ Xuân Thủy quẹo qua, tắc nghẽn chờ đợi nhau. Nhưng đường này vốn dĩ là đường nội bộ trong khu, bây giờ chẳng có ai cả. Đường vắng làm tôi đi nhanh, bị hối thúc bởi giờ giới nghiêm sắp đến. Cũng nguy hiểm đấy, có ông nào từ trong ngõ khu Thảo Điền cũng bị thúc ép thời gian giống tôi lao ra là bỏ mẹ. Cái xe nhỏ của tôi bánh nhỏ, đi nhanh mà phanh gấp là kiểu gì cũng ngã ngay.

Trời lúc này đã sáu giờ kém, chuyển sang chạng vạng hoàng hôn rồi. Mùa này đang mùa mưa, cứ chiều tối là dễ Sài Gòn chuyển giời, mây mưa gió lớn túi bụi cả. Tôi cứ đi thôi. Cứ thẳng Thảo Điền, theo một khúc quanh là tên đường đổi thành Nguyễn Văn Hưởng. Khúc Nguyễn Văn Hưởng này lớn hơn, lác đác trên đường có một hai xe. Không gian vắng lặng. Sau này, năm năm sau, hay lâu hơn nữa, mười năm, hai mươi năm, nếu bệnh dịch qua đi, có khi người ta không thể ngỡ ngàng mà tưởng tượng, mà nhớ lại có không gian như thế. Cả một thành phố im lìm, như thành phố chết. Không, thành phố không chết, nhưng nó đang ốm. Nó đã ốm vài tháng nay rồi, nếu ốm lâu nữa, thành phố sẽ chết. Thành phố đang trong cơn dịch bệnh. Đã bốn mươi năm nay trên đời, lần đầu tiên tôi mới chứng kiến điều gì kì lạ, điều gì khủng khiếp, gây tổn hại đến thế.

Trên đường Nguyễn Văn Hưởng, tôi đã phải gọi cho Trang hâm, bảo em ơi anh chuẩn bị đến rồi đấy, em xuống đi. Rất tiếc tôi vừa đi xe vừa phải gọi điện, nhưng tình huống này không thể khác được. Tôi chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu bị kẹt trên đường trong giờ giới nghiêm? Có thể không có điều gì xảy ra, có thể họ sẽ chặn lại và tôi sẽ phải giải thích. Có thể họ không cho vào, và tôi đành ngủ trên vỉa hè? Có nhiều thứ có thể xảy ra lắm. Vừa lái xe trên đường không người, nhìn quanh đây. Xe đi qua cửa hàng Le Square, đóng cửa im lìm. Nhân viên phải về từ trước để tránh bị kẹt trên đường vào giờ giới nghiêm, nên giờ này cửa hàng cửa hiệu không còn ai. Tĩnh lặng ghê gớm. Cũng có một vài gia đình người nước ngoài đi bộ trên đường, tập thể dục cho đỡ cuồng chân.

Rẽ vào Tropic Garden. Đường mới trải lại nhựa, trông lạ quá. Trước đây lối vào đường cũ, lởm chởm hơn. Đường mới nhưng không có ai. Thế giới này khác thật rồi.

Tôi chờ, nhưng Trang mãi không xuống. Trời ạ, phải cho nó cái đá đít thôi. Giới nghiêm sát đít rồi mà không xuống thế này. Tôi đã gọi điện một lúc rồi chứ ít đâu. Tâm trạng sốt ruột ghê. Trời thì đã chiều tà, xuống chầm chậm. Có nên chờ hay đành phải về thôi? Xuống thang máy mà làm gì lâu thế? Đối diện Tropic Garden là một cửa hàng của Winmart, đóng cửa tĩnh lặng.

Nhưng cuối cùng cô bạn quý hóa cũng xuống. Tôi chỉ kịp nói một hai câu, câu đầu là cảm ơn, câu sau là đường bị chặn hết các nẻo em ạ. Rồi sau đó là anh phải về đây. Chúng tôi không chuyện trò gì đựơc, về thôi.

Đường về đi lại đường đã đi, Nguyễn Văn Hưởng quay lại Thảo Điền, rồi đi ra xa lộ Hà Nội. Đường vắng chẳng có ai. Phải về nhanh thôi, tất cả cũng là cố gắng để có thức ăn trên bàn cho gia đình. Trong đầu bỗng nhiên nhớ về mấy câu thơ:

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc binh đao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu

Từ đây lại rẽ vào trong, đi lối gầm cầu Sài Gòn. Khu nhà nghỉ đóng cửa im lìm, Đến lối rẽ vào đường số 5 cũng bị chặn. Lần đầu tiên tôi đi lối này sau hàng tháng trời. Đường Song Hành mở. Đi thêm một đoạn nữa, đường Nguyễn Quý Cảnh bị chặn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy đường này bị chặn từ phía bên ngoài. Mấy lần trước tôi chỉ nhìn thấy từ góc nhìn của người phía trong. Nhưng Song Hành cũng lại bị chặn nốt, lại phải rẽ ra bên ngoài theo Xa lộ Hà Nội. Từ đó, tôi quẹo phải vào Nguyễn Hoàng, tới đây là tới Vũ Tông Phan là về nhà thôi. May qua, quá giờ giới nghiêm vài phút nhưng không bị ai gây khó dễ gì cả.

Mây đen đã kéo tới phía xa xa. Mặt trời đã lặn từ lâu. Tôi về đến nhà vào lúc 6:10pm. Vào đến nhà vài phút thì mây đen chuyển sang thành cơn mưa rất to.


Đêm chớp biển đường chân trời giật sáng
Đường chân trời run rẩy nhịp thời gian

Mưa to lắm. Mưa tại Sài Gòn. Mưa tại East Lansing. Ở Georgia. It’s raining in Baltimore. Thế giới này thay đổi hết rồi.


Ảnh không diễn tả được cảnh thực nhìn bằng mắt thường khi mây đen sầm sập đang tới gần.

(1) theo văn bản Số: 2789/BCĐ-VX của Ủy ban Nhân dân tpHCM: https://www.mediafire.com/file/9atlg7nlyqsdxd7/2789_BCD-VX_485457.pdf/file