Tiểu thuyết về một cuộc khủng hoảng
Tiểu thuyết về một cuộc khủng hoảng

Tiểu thuyết về một cuộc khủng hoảng

Khi một người đến ngân hàng gửi tiền, anh ta nhận được một chứng chỉ tiền gửi (CD), hứa hẹn một khoản lợi tức nào đó, ví dụ 5%/năm cho một khoảng thời gian của khoản tiền gửi, ví dụ 1 năm. Ngân hàng sẽ ghi nhận khoản tiền này trong phần Nợ của bảng cân đối kế toán của nó. Đến lượt mình, ngân hàng sẽ mang khoản tiền này đem cho vay với kì vọng nhận được mức lợi suất cao hơn, ví dụ 8% cho thời hạn 2 năm. Nhưng tại sao lãi suất đi vay lại là 5%, và lãi suất cho vay lại cao hơn, ở mức 8%, tạo ra mức biên lãi suất (NIM) 3% cho ngân hàng? Nói cách khác, mức biên lợi nhuận 3% này từ đâu ra? Trên thị trường tài chính, các giá trị không được tạo ra từ chân không, nó phải được đến từ các rủi ro ẩn hiện ở đâu đó, một số dễ nhìn hơn một số rủi ro khác, ẩn giấu thầm kín hơn. Khi bạn có được lợi nhuận, bạn hẳn phải đang chấp nhận các rủi ro nào đó.

Rủi ro đầu tiên mà ngân hàng phải chịu là rủi ro về duration mismatch. Trong ví dụ trên, ngân hàng huy động tiền với thời hạn 1 năm. Thậm chí, thời hạn này trên thực tế còn không được một năm, vì người gửi tiền có quyền put mà họ có thể exercise bất kì lúc nào. (1) Tuy nhiên, ngân hàng cho vay với thời hạn dài hơn, trong ví dụ này là 2 năm. Nếu người gửi tiền đồng loạt rút tiền (ie. exercise cái put), ngân hàng sẽ phá sản vì tài sản họ stuck với duration dài hạn hơn. Rủi ro thứ hai là về riskiness. Việc phải trả tiền lãi và gốc cho người gửi tiền là chuyện chắc chắn, nhưng việc thu lại tiền cả lãi và gốc từ các tài sản đầu tư là không chắc chắn. Business của người đi vay cơ bản là rủi ro hơn, do đó họ phải chịu trả mức lãi suất cao hơn. Hai rủi ro này là cơ bản trong business model của các ngân hàng, và phần nào dễ nhận thấy được. Tuy nhiên, ngoài hai rủi ro chính này, các nhà đầu tư phải chịu những rủi ro khó nhận thấy hơn. Đôi khi những rủi ro khó nhận thấy này trở nên dễ nhận thấy đến mức nó trở thành rủi ro chính.

******

Penn Square là một ngân hàng nhỏ tại Oklahoma, có nhiều exposure vào lĩnh vực dầu lửa. Vào thập kỉ 70-80s của thế kỉ trước, giá dầu phi như điên, hệ quả từ những cơn xích mích đáng yêu của vài người hàng xóm tại khu vực xa xôi nào đó có tên là Trung Đông. Do giá dầu tăng, nên Penn Square ăn nên làm ra lắm. Trong giai đoạn từ 1974 đến 1981, tài sản của Penn Square tăng 14 lần từ 35 triệu Mỹ kim lên 525 triệu Mỹ kim (nhắc lại để nhấn mạnh đơn vị là triệu Đô la Mỹ chứ không phải là tỷ như bây giờ.) Để có thể enhance được return, Penn Square tiên phong làm một việc mà nhiều ngân hàng sau đấy 30 năm đã học hỏi và đặt tên gọi là securitization: nó cho các con nợ vay tiền, sau đó, đem các khoản nợ này bán lại cho các nhà đầu tư khác, chủ yếu là các ngân hàng, muốn có exposure vào ngành dầu lửa. Với số tiền thu được, họ lại tiếp tục đem đi cho vay, rồi lại gói lại các khoản vay để bán cho người mua mới, cứ thế, cứ thế.

Vào những năm 80s, để tiêu diệt lạm phát dai dẳng, Paul Volcker tăng Fed Funds Rate (FFR) lên đến mức đỉnh cao 19% (vào năm 1981). Mức lãi suất tàn phá này khiến giá trị các tài sản mà Penn Square đầu tư vào (ie. các khoản cho vay) giảm mạnh, và nhu cầu mua các tài sản này từ các nhà đầu tư khác biến mất (sounds familiar?) Khi ấy, Fed có chủ trương cứu các ngân hàng mạnh, và để các ngân hàng yếu phá sản. Penn Square (PS) khi ấy thuộc địa hạt quản lý của Kansas City Fed (KC Fed), đơn vị đã quyết định rằng PS quá yếu để tồn tại. Họ không bơm thanh khoản vào hỗ trợ ngân hàng này, và vào tháng Bảy năm 1982, quyết định để nó chết.

Quái quỷ thay là một ngân hàng lớn hơn PS nhiều, tên là Continental Illinois National Bank and Trust (Continental), trót đi mua các khoản nợ được đóng gói bởi PS với tổng exposure khoảng 1 tỷ đô. Chúng ta nhớ lại ở trên rằng tài sản của PS chỉ là 525 triệu, nhưng vì nó cứ cho vay rồi bán lại các khoản nợ này, lượng cho vay thực tế mà ngân hàng này tạo ra là lớn hơn nhiều. Ngoài ra, vì vấn đề moral hazard mà các khoản nợ được đóng gói rồi bán cho người khác, các originator không có nhu cầu phải DD kĩ người đi vay như với trường hợp nếu các khoản nợ này nằm trên balance sheet của chính họ, tương tự như vấn đề đã gặp phải trong GFC 2008. Continental vốn dĩ là một ngân hàng rất thận trọng, nhưng thận trọng mãi trong khi các ngân hàng đối thủ khác chăm chỉ kiếm tiền thì cũng chán, nên nó tìm cách enhance returns và một phần trong kế hoạch đấy là dấn thân vào dầu lửa. Vào năm 1984, Continental có tài sản là 40 tỷ Mỹ kim, tức là bằng khoảng một nửa của Vietcombank tại Việt Nam 40 năm sau. Trong khi các tài sản khác của Continental đang giãy giụa trong môi trường lãi suất tàn phá, các khoản nợ liên quan đến dầu lửa là một trong những đối tượng thiệt hại nhất. Giá dầu WTI giảm từ mức đỉnh $39.5/bbl vào đầu năm 1980 xuống dưới $30 vào năm 1984, và còn giảm thêm 70%, xuống mức hơn $10 vào năm 1986. Các tài sản xấu trị giá 1 tỷ Mỹ kim là cọng rơm làm gẫy lưng con lạc đà, ngân hàng này mất khả năng thanh toán.

Chicago Fed ngay lập tức cung cấp khoản vay khẩn cấp trị giá $3.6 tỷ cho Continental. Tuy nhiên, ngân hàng này nhanh chóng cạn kiệt chỗ thanh khoản trợ giúp nói trên. JP Morgan, giống như vai trò của họ vào hồi đầu thế kỉ trước, tập hợp một nhóm các ngân hàng để tạo ra một khoản vay hợp vốn trị giá $4.5 tỷ cho Continental. Nhưng thế vẫn là không đủ. Continental ngay lập tức tiêu sạch chỗ $4.5 tỷ vừa vay được. Người gửi tiền, vì sợ ngân hàng này sụp đổ, đã rút ra tổng cộng khoản $11 tỷ đô, khiến khoản tiền $4.5 tỷ này chỉ là muối bỏ bể.

Và thế vẫn còn chưa hết. Nên nhớ rằng ở trên ta nói rằng tài sản của Continental là $40 tỷ, nếu ngân hàng này có tỉ lệ đòn bẩy là khoảng 5-10x như thường thấy tại ngành ngân hàng, thì các nghĩa vụ của ngân hàng với các chủ nợ của ngân hàng này vẫn còn đâu đấy thêm cỡ đôi chục tỷ Mỹ kim nữa. Những người này tiếp tục rút tiền, và Continental chắc chắn sẽ sụp đổ. Không có JP Morgan hay một Fed địa phương nào có thể có sức cứu giúp được. Điều buồn phiền là trong số các chủ nợ của Continental có 2300 ngân hàng khác, trong đó có tới 179 ngân hàng đầu tư tới hơn một nửa equity của họ vào Continental. Nếu Continental sụp đổ, ảnh hưởng lan truyền sẽ khiến cả ngành ngân hàng sẽ lung lay.

FDIC và Fed lập tức công bố một loạt các giải pháp, trong đó FDIC bảo đảm các khoản vay trị giá dưới 100,000 Mỹ kim cho người gửi tiền tại Continental còn Fed tuyên bố rót thêm $1.5 tỷ Mỹ kim cho Continental. Trong các giải pháp này, có lẽ biện pháp của FDIC có hiệu ứng mạnh hơn cả, vì nó triệt tiêu động lực rút tiền và do đó làm bank run dừng lại. Một nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa từ Connecticut nhận xét rằng từ giờ trở đi, có thêm một loại ngân hàng nữa tại Mỹ, gọi là “ngân hàng quá lớn để sụp đổ”.

Sự cố Penn Square và Continental đã vĩnh viễn thay đổi ngành ngân hàng. (2) Đó là lý do chúng ta có giá trị đảm bảo $100,000 Mỹ kim từ FDIC tồn tại đến nay tại Mỹ và practice này được học hỏi tại ngành ngân hàng của các nước kém phát triển hơn. Cũng từ đây ngành ngân hàng nhận thấy sự hấp dẫn kì lạ của mô hình kinh doanh “quá lớn để sụp đổ”: upside thì cổ đông ngân hàng nhận đủ, còn nếu đổ vỡ thì taxpayers phải chịu. Hàng loạt các ngân hàng như này được phát triển. Sau khi LEH phá sản vào tháng Chín năm 2008, Fed lập tức bơm tiền để cứu các ngân hàng như Goldman, Sachs, Morgan Stanley, etc. Nếu không có hành động như vậy từ Fed, có lẽ các ngân hàng này chỉ tồn tại thêm được vài ngày. Tại Việt Nam năm 2022, Saigon Commercial Bank có vinh dự là một ngân hàng như vậy.

Những ví dụ này để nói rằng khi có bank run (duration risk), hiếm ngân hàng nào có thể sống sót nếu không có một Ngân hàng Trung ương hỗ trợ và điều đó sẽ dẫn đến rủi ro hệ thống. Toàn bộ hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ.

******

Vào ngày 15 tháng Chín năm 2008, LEH nộp đơn xin phá sản. Hơn 110 ngày sau, ngày 3/1/2009, khi nền kinh tế toàn cầu vẫn đang chìm trong khủng hoảng, Bộ trưởng Tài chính Anh chuẩn bị tung ra gói cứu trợ lần thứ hai cho các ngân hàng đang gặp khó khăn. Cùng ngày, một đơn vị đầu tiên của một thứ gọi là Bitcoin (BTC) được định hình trong một không gian ảo. Block đầu tiên này của BTC được người phát minh ra nó, tự xưng là Satoshi Nakamoto, trích dẫn headline của bài báo về ý định của Bộ tài chính Anh. Bitcoin ra đời. Bitcoin được Satoshi quảng cáo như một trustless system ở đó không cần phải có một tổ chức trung tâm nào vận hành. Ít ra, đó là ý tưởng nguyên thủy của đồng tiền này.

Sau khi BTC ra đời, ý tưởng về việc cần phải có một sàn giao dịch cho đồng tiền số này nghe có vẻ hợp lý. Mt. Gox (đọc là Empty Gox), được điều hành bởi CEO Mark Karpelès, là sàn Bitcoin đầu tiên trên thế giới. Vào ngày 9/2/2010, giá BTC trên sàn này lần đầu tiên vượt qua mức $1/coin, và sàn Mt. Gox là sàn BTC lớn nhất thế giới. Chỉ khoảng bốn năm sau, vào ngày 28/2/2014, Mt Gox nộp đơn phá sản lên tòa án Tokyo.

Cũng mất kha khá thời gian để Mt Gox từ một sàn lớn nhất, trở nên dặt dẹo và sau cùng là lâm vào cảnh phá sản. Sàn tiền số là một mục tiêu rất hấp dẫn cho hacker, và vì là sàn lớn nhất, Mt Gox là mục tiêu béo bở nhất. Sàn liên tục nhận các cuộc tấn công. Tháng Tư năm 2013, CMO của Mt Gox nói rằng sàn chịu các đợt tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) không phải hàng ngày, mà hàng giờ. Bốn lần trong tháng Tư, sàn phải ngừng giao dịch hoàn toàn vì các đợt tấn công này. Lo sợ các đợt hack khiến sàn bị mất tiền (và do đó thiệt hại tới người gửi tài sản), cứ sau mỗi đợt tấn công người dùng trở nên kém thoải mái hơn. Do vậy, cứ mỗi đợt đóng cửa, người dùng lại bán BTC khiến giá đồng tiền số này giảm. Vào ngày 10/4/2013, một đợt tấn công khiến tốc độ xử lý giao dịch chậm hẳn lại, khiến các nhà đầu tư trở nên hoảng loạn, và giá đồng tiền này giảm 40% kể từ mức cao 266 gần nhất. Mt. Gox phải ngừng giao dịch trong 12 giờ để để khắc phục kĩ thuật, bằng cách gia tăng lượng máy chủ. Tuy thế chỉ vài giờ sau khi hoạt động lại, sàn lại phải đóng cửa. Chỉ hơn một tuần sau đó, sàn lại đóng cửa trong vòng năm giờ đồng hồ. Việc liên tục bị hack và đóng cửa khiến người dùng hoang mang, và các nhà đầu tư bắt đầu rút tài sản ra khỏi Mt. Gox.

Chỉ một tháng sau, ngày 14/5/2013, lại có rắc rối mới. Bộ An ninh Nội địa (DHS) thu giữ một khoảng tiền trị giá $2.9 triệu đô la Mỹ từ chi nhánh của sàn này tại Mỹ. Sau đó vài tuần, chính phủ Mỹ tiếp tục thu giữ thêm $2.1 triệu. Quan trọng hơn, nó cáo buộc chi nhánh này hoạt động chuyển tiền mà không có giấy phép. Vì không có giấy phép, chi nhánh của sàn tại Mỹ buộc phải đóng cửa. Từ việc chi nhánh tại Mỹ bị đóng cửa, Mt. Gox ngừng cho phép các nhà đầu tư rút tiền đô-la Mỹ. Các nhà đầu tư hoảng loạn, và chỉ còn một cách duy nhất là dùng tiền USD mua BTC trên sàn rồi chuyển BTC từ sàn này về ví của họ. Điều này dẫn đến nhu cầu mua BTC cao đột biến tại Mt. Gox, đẩy giá BTC trên đây ở mức premium từ 10%-20% so với các sàn khác. Tháng Sáu 2013, ngân hàng Mizuho tuyên bố ngừng cung cấp dịch vụ cho Mt. Gox, và yêu cầu sàn đóng tài khoản. Khách hàng bắt đầu tin rằng Mt. Gox có khả năng bị phá sản.

Tháng Bảy 2013, Roger Ver, một nhà đầu tư BTC nổi tiếng trong giai đoạn này và là bạn của Mark, cổ đông lớn nhất và là CEO của sàn Mt. Gox trực tiếp đến DD sàn. Mark mở tài khoản ngân hàng cho Roger Ver xem tận mắt, cho thấy nó vẫn còn khoảng $100 triệu. Do đó, Roger Ver tin rằng sàn không gặp vấn đề về thanh khoản, và đã cố gắng thuyết phục cộng đồng rằng mọi chuyện với Mt. Gox vẫn ổn. Tuy thế, các lệnh rút tài sản tại Mt. Gox vẫn khó thực hiện. Khách hàng phải chờ nhiều tuần, thậm chí vài tháng để có thể rút tài sản của họ.

Sang năm 2014, việc rút tiền càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Sang ngày 7/2/2014, Mt. Gox tuyên bố gate toàn bộ các lệnh rút tài sản. Giá BTC trên các sàn chính khác rơi khoảng 8% từ mức $784 ngày hôm trước. Ngày thứ Hai sau đó, một lỗi trong phần mềm BTC được phát hiện, dẫn tới các cuộc tấn công vào các sàn tiền số trên phạm vi toàn cầu, khiến các sàn chính đều phải đóng cửa. Mt. Gox, vốn dĩ đã ngừng cho phép rút tiền, cũng đóng cửa nốt. Nhưng khi kể cả các sàn khác đã sửa xong các lỗi và giao dịch trở lại sau đó một tuần, Mt. Gox vẫn tiếp tục đóng cửa. Khi mở cửa trở lại, vì lo ngại Mt. Gox đã phá sản, giá BTC tại đây trade ở mức discount 20% so với giá trên các sàn khác.

Vào ngày 24/2/2014, một blogger tên là Ryan Selkis thu thập được một báo cáo nội bộ của Mt. Gox, trong đó cho thấy rằng sàn đã bị mất khoảng 740 ngàn BTC (có giá trị khoảng 430 triệu Mỹ kim), trong đó 620 ngàn thuộc về khách hàng, còn 120 ngàn BTC thuộc về Mt. Gox. Ngày 28/2/2014, Mt. Gox tuyên bố phá sản. CEO Mark Karpelès bị cảnh sát Tokyo truy tố hình sự vì tội lừa đảo và tham ô. (3)

******

Nếu có một điều gì thú vị trên các thị trường tài chính thì lịch sử không lặp lại chính xác, nhưng nó thường có những điểm hao hao với những gì đã xảy ra.

Tám năm sau khi sàn tiền số lớn nhất thế giới khi ấy Mt. Gox phá sản, sàn lớn nhất thế giới năm 2022, Binance, vướng vào một vụ phá sản, lần này là của một sàn tiền số đối thủ, FTX, vốn được thành lập bởi một thiên tài có tên là Sam Bankman-Fried. Thỏa thuận sau một vụ kiện của Binance đối với FTX giúp Binance có thể đầu tư chiến lược vào FTX vào tháng Mười hai năm 2019. Tuy thế, mối quan hệ giữa hai sàn còn lâu mới có thể gọi là “chiến lược”, dẫn đến việc Binance thoái vốn tại FTX và nhận lại $2.1 tỷ, dưới dạng BUSD và FTT, một đồng token tạo ra bởi FTX. Đồng FTT này nằm trên balance sheet của FTX và các công ty liên quan trong ecosytem của SBF, và nó được sử dụng để làm collateral cho các khoản vay của công ty này. Điều gì sẽ xảy ra nếu giá FTT giảm xuống? FTX sẽ bị gọi ký quỹ. Sau khi nắm giữ một lượng lớn FTT, Binance nắm chủ bài vì nó có thể giao dịch lượng token này, do đó có thể làm giá đồng tiền này thay đổi mạnh. Từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của bản cân đối kế toán của FTX và các công ty liên quan.

Ngày 1/11/2022, FTT có giá $26. Sau khi Coindesk tung ra bản cân đối kế toán của FTX vào ngày 2/11/2022, bốn ngày sau đó, 6/11/2022, Binance tuyên bố sẽ bán ra đồng FTT một cách có trật tự. Việc bán ra FTT sẽ làm đồng tiền này giảm xuống, do đó đe dọa đến sự tồn tại của FTX và các công ty liên quan. Do vậy, CEO của Alameda Research đã đề nghị mua lại số FTT mà Binance nắm giữ với giá $22, dù dữ liệu sau này cho thấy công ty này sẽ không đủ tiền cho việc mua lại như vậy. Có lẽ coi đề nghị của CEO của Alameda Research mua lại số token FTT mà Binance đang nắm giữ với giá $22 là một cú bluffing, hoặc có thể mục tiêu tài chính không phải là hàng đầu, Binance CEO CZ trả lời bằng một cái nhún vai. Sau đó anh này nói rằng “I think we will stay in the free market.” Vậy là Binance thể hiện ý đồ sẽ bán FTT trên thị trường, thay vì một lệnh thỏa thuận. Giá FTT rơi tự do.

Ngày 10/11/2022, FTX tuyên bố phá sản. (4)

******

Tại thị trường crypto, sau khi FTX phá sản, CZ của sàn Binance đã rút ra hai bài học:

– Không sử dụng đồng token do công ty tạo ra làm collateral.

– Không vay mượn và không sử dụng vốn một cách “hiệu quả”. Luôn luôn giữ một mức dự trữ lớn.

Anh này cũng nói thêm rằng Binance không sử dụng BNB để làm collateral, và không sử dụng vốn vay. Để tháo gỡ ảnh hưởng tiêu cực từ sự sup đổ của FTX, Binance đang cùng thành lập một quỹ hồi phục để giúp đỡ các dự án lành mạnh (về business), nhưng gặp khó khăn tạm thời về mặt thanh khoản.

Sau khi FTX phá sản, thị trường lo ngại về sức khỏe tài chính của các thực thể khác trong crypto ecosystem. Trong một diễn biến liên quan, SEC yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin liên quan đến các exposure tiềm tàng của họ đối với crypto. Nhưng không phải các công ty đại chúng, những đối tượng có quan hệ giao dịch trực tiếp với FTX mới chịu tác động đầu tiên. Genesis, một crypto lender, có thể đã là người cho vay chính cho trading firm Alameda. Công ty này lập tức ngừng cho phép rút tiền và đồng thời yêu cầu công ty mẹ Digital Currency Group rót thêm $140 triệu để tăng thanh khoản.

Đối tượng kế tiếp mà thị trường nghĩ đến là Tether (USDT), được tạo ra bởi một công ty Tether có trụ sở tại Hongkong. Chúng ta đã bàn về công ty này trong những trang trước của cuốn tiểu thuyết, rằng nó có một mô hình hoạt động giống như một ngân hàng, nhưng lại không bị các luật lệ ràng buộc đối với một ngân hàng.

Ảnh hưởng lan truyền sau vụ phá sản của FTX, do sợ hãi rằng Tether có thể không hoàn trả lại được tiền cho nhà đầu tư khi họ rút tiền, USDT đã mất pegged đối với đồng USD, và trade ở mức 0.995. Trong năm 2008, khi Lehman phá sản, các quỹ money market funds cũng broke the buck tương tự.

Làn sóng rút tiền (primary market) và bán tháo (secondary market) đối với USDT dần ổn định vài ngày sau đó. Nhưng dư âm của vụ phá sản vẫn tiếp tục. Gemini, sàn giao dịch tiền số của hai anh em nhà Winklevoss, “đồng sáng lập” Facebook”, chịu áp lực rút tiền từ các nhà đầu tư. Sàn này đối mặt với lệnh rút tiền tổng cộng $500 triệu trong ngày 16/11.

******

Trớ trêu thay, áp lực mạnh nhất lại nhằm vào sàn Binance, mà nhiều người coi là nhân tố quyết định dẫn đến sự sụp đổ của FTX. Ngày 13/12, Reuters đưa tin rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang cân nhắc truy tố Binance và các nhân viên cấp cao của công ty này, trong đó có CZ, tội rửa tiền. Nội bộ trong chính phủ Mỹ vẫn đang chia rẽ có nên tiến bước này hay không. Binance lập tức phản bác rằng thông tin của Reuters là không chính xác. Sau đó, công ty này đưa ra một lời bào chữa có đầy thuyết phục rằng truy tố Binance chỉ làm tăng sự hỗn loạn trên thị trường tiền số.

Cùng ngày 13/12, Sam Bankman-Fried chính thức bị Bộ Tư pháp Mỹ buộc rất nhiều loại tội. Anh này lập tức được nhà chức trách Bahamas bỏ tù để chờ ngày dẫn độ về Mỹ. Điều làm một số người tiếc nuối là vụ bắt giữ Sam Bankman-Fried diễn ra khi anh này chuẩn bị phải điều trần under oath trước Quốc hội Mỹ về những gì đã diễn ra. Vụ điều trần dưới tuyên thệ của anh này có thể sẽ rọi sáng cho việc xét xử SBF, dù có thể anh ta sẽ kích hoạt Tu chánh án thứ Năm.

Điều thú vị là nếu Sam Bankman-Fried và FTX bị tuyên bố có tội, điều gì sẽ xảy ra với khoản tiền $2.1 tỷ mà Binance nhận được từ FTX khi nó bán lại cổ phần? Có thể Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tịch thu lại số tiền 2.1 tỷ Mỹ kim này từ Binance. Bị tịch thu 2.1 tỷ Mỹ kim sẽ là một cú đánh trầm trọng vào bất kì công ty nào. Lập tức thị trường bán tháo các tài sản liên quan đến Binance, trong đó có token BNB, và BUSD, một đồng stablecoin tạo ra bởi Binance.

Ngày 12/11, trước khi Sam Bankman-Fried bị bắt giữ, đồng BNB giao dịch ở mức giá khoảng $270. Sau tin bắt giữ, đồng này giảm giá còn 230. Đối với đồng BUSD, trước đây đồng này có phần nhỉnh hơn đồng USDT. Nhưng sau sự việc, các nhà đầu tư cố gắng tránh nắm giữ đồng BUSD để đổi sang các stablecoin khác như USDT. Ngoài ra, 6/9/2023 Binance đơn phương quyết định quy đổi đồng USDC, một stablecoin phát triển bởi một công ty Circle có trụ sở tại Mỹ, nắm giữ bởi các nhà đầu tư trên sàn thành đồng BUSD – một quyết định xứng đáng chịu một vụ kiện tập thể. Thử tưởng tượng, bạn đang nắm giữ 1000 USDC vì bạn tin tưởng vào công ty Circle (và luật pháp Mỹ) đằng sau nó. Một ngày sau, bạn thấy mình đang nắm giữ 1000 BUSD bởi một công ty mà bạn còn không hiểu trụ sở nó đặt ở đâu. Do các nhà đầu tư không yên tâm với đồng BUSD và muốn chuyển đổi trở lại với đồng USDC, nhu cầu chuyển đổi sang đồng USDC tăng vọt. Ngày 13/12, Binance đã tạm ngừng chuyển đổi sang đồng USDC viện dẫn một banking technicality.

Các lệnh rút tài sản ra khỏi sàn Binance tăng lên. Để ngăn chặn điều này, Binance cố gắng khôi phục niềm tin. Ngày 7/12, Mazars, một nhà kiểm toán xác nhận sàn này nắm giữ 575,742.42 BTC, trị giá khoảng 9.5 tỷ Mỹ kim, đủ để đáp ứng số dư tài sản của các nhà đầu tư trên sàn. Nhưng thứ gọi là Proof of Reserves này không phải là Balance sheet của một công ty. Thử tưởng tượng bạn được cầm bản cân đối kế toán của một công ty, bạn chỉ được đọc dòng Tiền và tương đương tiền (trên phần tài sản) có giá trị 9.5 tỷ Mỹ kim, lớn hơn giá trị tạm gọi là “Tiền gửi của khách hàng” (trên phần Nợ) bạn có thể hiểu gì về công ty ấy? Phần còn lại của Balance sheet bị bôi đen hoàn toàn. Hoàn toàn không. Một công ty như vậy vẫn hoàn toàn có thể phá sản và khách hàng hoàn toàn có thể mất trắng tiền gửi của mình. Trong trường hợp sàn phá sản, cái Proof of Reserves có thể trở nên misleading các nhà đầu tư. Có lẽ Mazars chợt lạnh gáy vì nhận ra các rủi ro pháp lý phải đối mặt. Ngày 16/12, nhà kiểm toán này tuyên bố ngừng làm việc với các công ty crypto và cái Proof of Reserves cho Binance có lẽ không còn hiệu lực.

Khi Binance thuê một hãng kiểm toán để nhìn vào sổ sách của nó, có vẻ như nó học được bài học từ Mt. Gox khi cho Roger Ver nhìn vào số dư ngân hàng. Khi ấy, nhờ Roger Ver, cơn lốc rút tiền tại Mt. Gox đã tạm dừng lại. Việc Mazars ngừng cung cấp dịch vụ giáng một đòn với Binance, vì lòng tin không được khôi phục. Ngày 12/12, lượng rút tài sản tại Binance lên đến xấp xỉ 2 tỷ đô-la Mỹ. Ngày 13/12, theo Nansen, một công ty data trong crypto, số lượng rút tiền lên tới 3 tỷ USD. Sau đó, số liệu cho thấy Binance chịu lệnh rút tiền 6 tỷ đôla Mỹ, rồi 10 tỷ – chỉ không rõ các con số này có cộng dồn được hay không.

Để động viên các nhà đầu tư, ngày 15/12/2022, CZ trực tiếp lên trả lời phỏng vấn trên CNBC với Becky Quick, một anchor kì cựu chuyên phỏng vấn những người như Warren Buffett. Buổi phỏng vấn tập trung về khả năng thanh khoản của Binance, mà CZ nói là công ty này lành mạnh. Tuy nhiên, không có gì rõ ràng bằng một BS đầy đủ của sàn, và Becky Quick yêu cầu đơn giản rằng “show me the money”. CZ nói rằng các hãng kiểm toán không có kinh nghiệm làm việc với một sàn tiền số, hàm ý rằng đây là lý do Binance không được kiểm toán bởi một hãng kiểm toán có uy tín, nhưng truyền thống. Tới đây, Joe Kernen, một anchor kì cựu khác, phản biện rằng Coinbase, một sàn tiền số khác đặt trụ sở tại Mỹ, được kiểm toán bởi Deloitte, một nhà kiểm toán Big Four. Buổi phỏng vấn không có tác dụng gì trong việc cải thiện hình ảnh của Binance, và điều này lộ rõ trên gương mặt thất vọng của Becky Quick khi nghe câu trả lời của CZ.

******

Binance liệu có phá sản hay không? Điều này rất khó để tiên đoán. Như những gì đã diễn ra trong quá khứ, một vụ phá sản có thể tiến triển mất hàng năm trời. Những gì đang diễn ra tại Binance cũng theo những pattern đã diễn ra tương tự những vụ phá sản đã xảy ra, dù chưa chắc nó sẽ phải đi theo con đường này: sự kiện pháp lý (Bộ Tư pháp truy tố Mt. Gox, Binance), các khách hàng rút tài sản (bank run) các yếu tố cố gắng lấy lại lòng tin (Roger Ver tại Mt. Gox, Mazars tại Binance), etc. Bối cảnh xảy ra cũng tương đối tương đồng: Fed đã tiến hành thứ gọi là taper tantrum trong năm 2013, trước khi Mt. Gox phá sản. Vào năm 2022, Fed cũng xiết lại cung tiền. Nhưng Binance đối mặt với khó khăn lớn hơn: chưa bao giờ hệ thống tài chính thế giới đối mặt với việc các ngân hàng trung ương đồng loạt siết chặt thanh khoản cùng một lúc như vậy.

Và hơn hết, các công ty crypto chịu cùng một thứ rủi ro, nền tảng mà Satoshi đã xây dựng đồng Bitcoin: một thế giới trustless rất dân chủ, không có một hệ thống trung tâm. Triết lý này đã xây dựng một hệ thống không có những tổ chức trung tâm như một ngân hàng trung ương. Một công ty mang tính trung tâm như một sàn centralized exchange có lẽ không nên tồn tại trong một hệ thống phi trung tâm như vậy. Vì không có một tổ chức như ngân hàng trung ương Fed và FDIC, các công ty này chịu một thứ gọi là rủi ro hệ thống, mà trong đó một công A đổ vỡ có thể sẽ dẫn đến công ty Z đổ vỡ.

Dù vậy, tôi vẫn không kiềm chế được câu hỏi:

– Anh có nghĩ Binance sẽ phá sản hay không?

– “Trong thời gian đủ lâu, xác suất tồn tại của bất kì ai giảm xuống không.” Anh không trả lời trực tiếp mà trích dẫn một ai đó.

Chú thích:

1. Nếu tồn tại một secondary market cho các CDs này thì người gửi tiền sẽ không cần phải exercise cái put của họ, dẫn đến duration của ngân hàng cố định hơn. Do đó, việc tồn tại một thị trường như vậy, ngoài việc tăng thanh khoản cho người gửi tiền, cũng trực tiếp bảo vệ lợi ích của ngân hàng.

2. Xem thêm The Lords of Easy Money – Christopher Leonard. 2022. Chapter 3: The Great Inflation(s)

3. Xem thêm: How Money Got Free – Brian Patrick Eha, 2017. Chapter 10: Meltdown.

4. Michael Lewis đang viết dở một quyển sách về Sam Bankman-Fried (SBF), người sáng lập ra FTX, nói rằng sau rất lâu mới có một chủ đề làm anh tác giả này hứng thú. Lewis rất engaged với SBF trong suốt quá trình, cho đến khi FTX lăn đùng ra phá sản. Sẽ rất thú vị để đọc quyển sách được mong chờ của Lewis, dù đoán rằng anh này sẽ phải sửa tới sửa lui.