Chiến tranh Russia Ukraine và thị trường
Chiến tranh Russia Ukraine và thị trường

Chiến tranh Russia Ukraine và thị trường

Trọng tâm chú ý của thị trường hiện tại đang vào việc Nga tấn công Ukraine. Chính phủ hiện tại của tổng thống Volodymyr Zelenskyy có xu hướng thiên về phía châu Âu, với ý định gia nhập NATO được để ngỏ. NATO mở rộng về phía Đông chính xác là điều cuối cùng tổng thống Putin muốn, và ông này đã nhiều lần nói rõ đây là lằn ranh đỏ (red line).

Để nhìn về lịch sử của những va chạm tại châu Âu, cần phải điểm qua lịch sử. Sau khi Uncle Joe (Stalin) đã mất vào năm 1953, châu Âu đồng minh và Liên Xô cùng rút quân chiếm đóng tại Đức. Liên minh rút quân đội đóng tại Tây Đức, còn Liên Xô rút quân khỏi Đông Đức. Tuy nhiên, tình thế đối đầu của hai phe càng thêm mạnh mẽ. Cần phải biết thêm về lịch sử giai đoạn này, nhưng dường như phía Đồng minh đã tận dụng cái chết của Stalin (có lẽ vì một nhà lãnh đạo cộng sản mới cần thời gian để xiết chặt quyền lực) để mở rộng ảnh hưởng. Ngày 4/5/1955, nước Tây Đức được công nhận thành một lãnh thổ chủ quyền, và ngay sau đó, nước này đựơc gia nhập vào khối NATO. Để đối phó lại, khoảng 10 ngày sau, 14/5/1955, Liên Xô thành lập khối Đông Âu cộng sản bằng hiệp định Warsaw (Warsaw pact) bao gồm Liên Xô, Albania, Bulgaria, Czechoslovakia, Đông Đức, Hungary, Poland và Romania.

Bất chấp hiệp ước Warsaw, các quốc gia trong khối này tìm cách rũ bỏ ảnh hưởng của Liên Xô cộng sản. Năm 1956, người Hungary thành lập chính phủ mới, theo chiều hướng tự do hóa và thiên về phương Tây. Quân đội Liên Xô tràn vào Hungary, lật đổ chính quyền non trẻ, và xiết đặt lại áp chế Cộng sản. Mười hai năm sau, 1968, phong trào tự do hóa chính trị lại phát triển ở nước Czechoslovakia. Phong trào đã gây lo ngại ở các quốc gia cộng sản láng giềng, và Liên Xô, Bulgaria, Poland và Hungary đã kéo quân vào đất nước này, lật đổ thủ tướng và thay thế bằng một thủ tướng mới, Gustáv Husák. Ông này quay trở lại với chế độ Cộng sản. Cùng lúc này, khối Cộng sản rạn nứt, và Mao Trạch Đông cáo buộc cả Liên Xô và Mỹ là các đế quốc.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990s, khối hiệp ước Warsaw tan rã. Chớp thời cơ này, NATO mở rộng về phía đông. Theo thời gian, nó kết nạp các nước là cựu thành viên của khối hiệp ước Warsaw. Năm 1999, NATO mở rộng thêm Czech Republic, Hungary, và Poland. Năm 2004, NATO kết nạp Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia, Slovenia. Năm 2009, NATO mở rộng thêm với Albania và Croatia.

Putin ban đầu tương đối cởi mở với ý tưởng sẽ tự do hóa và hòa nhập vào nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, Tây Âu cho rằng sự hòa nhập kinh tế sẽ khiến nước Nga trở nên tự do hơn. Tuy nhiên, quan điểm của Putin thay đổi. Ông này không thoải mái với việc Mỹ tấn công Iraq lật đổ Saddam Hussein, nhưng dù sao đó cũng là một sự kiện xa khỏi vùng quan tâm thực sự của Nga. Sự mở rộng liên tục của NATO mới thực sự khiến nước Nga Putin trở nên khó chịu. Ông này cuối cùng đã quyết định tấn công Ukraine để thiết lập nước này, theo đề nghị của Putin, thành một nước phi quân sự, và là một buffer để ngăn cách Nga khỏi NATO. Vào ngày 24/2, nước Nga tấn công Ukraine trên nhiều mặt trận, Bắc, Nam, và Đông.


Và thị trường:

Mặc dù chiến tranh diễn ra vào ngày 24/2/2022, thị trường đã giảm điểm nhiều vì những căng thẳng trước đó, và đặc biệt là vì tiến triển của lạm phát. Đỉnh của DJIA đạt vào ngày 4/1/2022, ở mức xấp xỉ 36,600 điểm. Ngày 10/2/2022 số liệu CPI tháng Một của Mỹ tăng lên 7.5% từ mức 7% của tháng Mười hai, và do đó, một voter của FOMC (St. Louis Fed President Bullard) tuyên bố rằng ông này ủng hộ việc tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản tính tới tháng Bảy 2022. Dầu ở mức khoảng $90/bbl. Tin tình báo của Mỹ cho thấy một cuộc tấn công của Nga sắp xảy ra. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sau đó làm rõ rằng Nhà Trắng không tin rằng Putin đã có quyết định cuối cùng, nhưng ông này thừa nhận rằng có khả năng nhỏ là Nga sẽ tấn công trước khi Beijing Winter Olympic kết thúc (vào ngày 20/2/2022). Do đó, dầu tăng giá lên mức $93/bbl. Vì thị trường cần một nơi trú ẩn, trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm hạ nhẹ xuống khỏi mức 2%, còn 1.96%. Tuy thế, tổng thống Ukraine Zelensky tiếp tục hạ thấp khả năng Nga tấn công.

Do triển vọng tấn công, giá dầu tiếp tục leo thang, lên mức $95/bbl. Goldman Sachs trước đó dự báo rằng giá dầu có thể sẽ lên $120 nếu xảy ra chiến tranh. DJIA lúc này hạ xuống chỉ còn khoảng 34,570 điểm, mất khoảng 2,000 điểm so với hồi đầu năm.

Ngày 15/2, một số quân Nga tập trận xong đã rút khỏi gần biên giới Ukraine. Thị trường thở phào. Do đó, bond bị bán, đẩy yield tăng lên trên mức 2%, đạt 2.06%. Dầu xuống mức $92/bbl. Tuy nhiên, sau khi thị trường đóng cửa, các tin tức tình báo, cũng như hình ảnh vệ tinh không xác nhận việc giảm hiện diện đáng kể nào của Nga tại các khu vực biên giới với Ukraine. Thống chế Đức Scholz tuyên bố rằng không có việc kết nạp Ukraine vào NATO trong chương trình nghị sự, và “lời hứa” này sẽ được ghi thành văn bản.

Số liệu cho thấy tăng trưởng tiêu dùng bán lẻ ở mức cao 3.8% MoM, phản ánh rằng người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu bất chấp số liệu lạm phát. Giá dầu nhích nhẹ trở lại, lên $93.8/bbl. Thủ tướng Ukraine vào ngày 16/2 phát biểu rằng ông này không thấy quân đội Nga rút quân, trong khi các quan chức NATO nói rằng Nga vẫn tiếp tục điều binh sát Ukraine. Giá cổ phiếu giảm nhẹ hôm đó, ngày 17/2 mất tiếp 620 điểm, xuống còn 34300 điểm. Lợi suất trái phiếu cũng hạ xuống dưới 2%, chỉ còn 1.97%. Trong khi đó, giá dầu mất 2%, xuống dưới $92/bbl vì tin tức rằng một thỏa thuận hạt nhân với Iran đã gần kề, do đó có thể mở đường cho nước này trở lại thị trường dầu mỏ. Nước này có sản lượng khoảng 2.7 triệu thùng một ngày, do đó sẽ làm giảm nhiệt đáng kể trên thị trường. Ngày 18/2 bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho rằng nguy cơ xâm lược của Nga là “không cao”, và rằng dân tình an toàn trong đất nước, ngoại trừ khu vực chiến tranh Donbas. Trong một diễn biến liên quan đến lạm phát, ECB Kazimir ủng hộ chấm dứt QE trong tháng Tám, và có một thời điểm phù hợp để tăng lãi suất. Dư âm của tin tức về việc Iran trở lại thị trường khiến giá dầu tiếp tục trượt khỏi mốc $90, chỉ còn 89.7 – hai triệu bảy trăm nghìn thùng trở lại thị trường là rất lớn chứ bộ.. Cùng ngày 18/2, DJIA mất thêm hơn 200 điểm, xuống còn 34,000 điểm.

Ngày 22/2, trong một động thái gần như là khơi mào chiến tranh, Nga tuyên bố công nhận hai nước cộng hòa nằm trong lãnh thổ Ukraine, hai khu vực này có nhiều người thiểu số Nga sinh sống. Biden lập tức tuyên bố rằng đây là sự khởi đầu của việc Nga xâm lược Ukraine, và công bố hai ngân hàng Nga bị sanctioned. Nối tiếp, Thủ tướng Đức Scholz thông báo rằng việc chấp thuận đường ống Nord Stream 2 sẽ bị đình lại vô thời hạn. Thij trường đổ xô vào tài sản an toàn: Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ giảm lại xuống dưới mức 2%, còn 1.95%. Dầu tăng trở lại lên $92. DJIA mất gần 500 điểm, xuống còn 33,600 điểm, tương đương mức giảm hơn 8% kể từ mức đỉnh xấp xỉ 36,600 điểm – mức giảm điểm 10% thường được coi là mốc thị trường “điều chỉnh” (correction).

Đức và các quốc gia khác tuyên bố rằng biện pháp trừng phạt cắt đứt Nga khỏi hệ thống SWIFT là không được cân nhắc. Đáp trả lại một số biện pháp trừng phạt của phương Tây, lúc này rất hạn chế ở mức cấm vận một số ngân hàng Nga, phong tỏa tài khoản của một số cá nhân người Nga, etc. nước Nga bơm một lượng khí gas kỉ lục sang phương Tây. Đáng nói là phương Tây liên tục lo ngại về chuyện sẽ bị cắt đứt nguồn cung năng lượng từ Nga, nơi mà một số quốc gia phụ thuộc vào từ 20%-60% năng lượng, và liên tục có sự phàn nàn của Tây Âu về chuyện lượng khí gas Nga bơm sang rất thấp. Hành động tăng cường bơm khí gas của Nga như để tỏ lòng biết ơn về những biện pháp trừng phạt nhẹ nhàng của phương Tây. Trong lúc này, chính quyền Biden vẫn liên tục cảnh báo rằng cuộc tấn công của Nga sang Ukraine có thể diễn ra bất kì lúc nào.

Trong bối cảnh này, tình hình lạm phát vẫn tiếp tục diễn ra dai dẳng, không hề là transitory như trước đó các ngân hàng Trung ương (chủ yếu là Fed và ECB) nhận định. Có thêm các tiếng nói hawkish hơn trong nội bộ ECB, ngân hàng Trung ương nổi tiếng về sự rộng rãi thanh khoản của họ. ECB Holzmann tuyên bố rằng ECB nên cân nhắc hai lần tăng lãi suất trong năm 2022. Trước phản ứng nhẹ nhàng của phương Tây với diễn biến Nga-Ukraine, giá dầu vẫn duy trì ở mức $92/bbl.

Một ngày sau đó, nước Mỹ tuyên bố cấm vận đường ống Nord Stream 2. Sau đó, Công ty vận hành đừờng ống Nord Stream 2 AG, có trụ sở tại nước trung lập Thụy Sỹ, công ty có các cổ đông chính là Gazprom – 51%, Wintershall Dea – 15.5%, PEG Infrastruktur AG, a subsidiary of E. ON Beteiligungen – 15.5%, N.V. Nederlandse Gasunie – 9%, và Engie – 9%, tuyên bố phá sản.

Ukraine tuyên bố huy động quân đội để đối phó với nguy cơ chiến tranh. Chính quyền Biden tuyên bố rằng Nga có thể tấn công trong vòng 48 giờ tới. Ngày 24/2, Nga đồng loạt tấn công vào các mặt trận phía Nam, phía Đông và phía Bắc (từ Belarus). Chiến tranh Nga-Ukraine bắt đầu.

Ban đầu Các Thị trường phản ứng tiêu cực với tin tức. Thị trường cổ phiếu rớt thảm thiết. DJIA tiếp tục mất thêm 460 điểm ngày 23/2, còn 33,131 điểm. Ngày 24/2, DJIA rơi tự do xuống 32,272, mất hơn 800 điểm. Nhưng kì quặc như cách thị trường vẫn phản ứng, có lẽ như một ví dụ “buy the rumor, sell the fact”, DJIA hồi phục lại lên đóng cửa ở mức 33,220 điểm trong ngày chiến tranh bắt đầu. Ngày 25/2, DJIA tiếp tục hồi phục hơn 800 điểm, đóng cửa ở mức hơn 34,060 điểm.

Tuy thế, tiếng nói trên thị trường trái phiếu không đồng thuận. Bond yield 10yr của Mỹ tiếp tục xuống mức 1.84% vì nhu cầu trú ẩn rủi ro. Ngày 28/2, Mỹ và đồng minh (Đức và Ý – trong khi Pháp vẫn cho rằng sử dụng công cụ SWIFT là biện pháp cuối cùng) đồng ý cắt đứt một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT, đồng thời phong tỏa các tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga. Đây là một mức leo thang mới trong biện pháp trừng phạt của Nga và đồng minh, sau khi các ý kiến cho rằng khối này phản ứng quá nhạt nhòa khi đối phó với Nga. Hệ thống tài chính của Nga tê liệt, và Nga phải đóng cửa thị trường cổ phiếu vô thời hạn. Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng lãi suất từ 9% lên 20% Để tránh rủi ro, các công ty nước ngoài tuyên bố bán hoặc write-off các tài sản tại Nga. BP tuyên bố sẽ bán 20% cổ phần trong Rosneft. Giá dầu WTI, sau một thời gian lừng khừng bất chấp chiến tranh, tăng mạnh lên $95.

Ngày 28/2, có những lúc DJIA giảm gần 600 điểm, nhưng thị trường hồi phục dần khi đóng cửa, và chỉ còn mất dưới 200 điểm. Để đáp ứng lại giá tăng của dầu, Mỹ và các đồng minh tung ra 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ – điều đã khiến giá dầu lừ đừ bất chấp chiến tranh. Sau thông tin kho dầu dự trữ chiến lược được mở, thị trường gần như bỏ qua hành động này, coi như hành động của Mỹ không có hiệu quả, và ngày 1/3, dầu WTI tăng vọt lên $110/bbl sau khi đã lờ đờ trong suốt giai đoạn sát chiến tranh, và thậm chí sau khi chiến tranh diễn ra tại các mặt trận Ukraine. DJIA giảm 600 điểm, xuống 33,300.

Powell, thống đốc Fed, bị mắc kẹt giữa một cuộc chiến sẽ làm rủi ro tăng lên, và một nền kinh tế có lạm phát đang gia tăng – rút cuộc thì giá dầu tăng sẽ càng làm tăng áp lực lên lạm phát, vốn dĩ đã rất nóng. Powell cho tín hiệu ủng hộ mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong lần họp tới, sẽ diễn ra trong tháng Ba, nói rằng sẽ “proceed carefully” vì các bất ổn địa chính trị. Do thị trường đối phó với nhu cầu trú ẩn an toàn, và tone dịu lại của Powell (trước đây thị trường cho rằng có khả năng Fed tăng 50 điểm trong tháng Ba), lợi suất 10yr Mỹ trên thị trường giảm xuống còn 1.77%.

Ngày 1/3/2022, Nga và Ukraine bước vào cuộc đàm phán để tạo ra các hành lang di tản cho người dân Ukraine. Thị trường phản ứng tích cực, với DJIA hồi phục 600 điểm, và bond yield lên mức 1.84%. Giá dầu cũng dịu lại về mức xấp xỉ $108/bbl, một phần quan trọng nhờ thông tin rằng có thể nuclear deal với Iran đang ở rất gần. Tuy thế sau đó, giá dầu lại phi lên thẳng đứng, lên mức 115 vì nervous với diễn biến chiến tranh. Nga đã bắn đạn pháo vào gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, hiện đang đóng cửa. Yield xuống 1.72%.

Tại Mỹ, thị trường lao động vẫn rất nóng, với thêm 678 ngàn người được tuyển dụng trong lĩnh vực phi nông nghiệp, và mức thất nghiệp chỉ ở 3.8%, dưới ngưỡng thất nghiệp tự nhiên. Fed phải đối mặt với một nền kinh tế nóng đang toàn dụng nhân công, và một thảm họa lạm phát, bên ngoài hệ quả của nền kinh tế mạnh, là các yếu tố về supply chain disruption, giá dầu tăng từ các diễn biến địa chính trị.

Một cơn bão tuyệt vời đang đến. Hãy chờ xem cái Perfect Storm này sẽ kéo đến ra sao tại thị trường Việt Nam: lạm phát gia tăng, nhu cầu tín dụng gia tăng sẽ đẩy lãi suất tăng, và áp lực giải ngân để kích thích kinh tế nhờ các chương trình đầu tư công trong gói kích thích hậu COVID-19. Hiện tại CPI tại Việt Nam trong tháng Hai vẫn ở mức dưới 2% YoY, nhưng chắc chắn sẽ tăng mạnh cuối năm 2022. Nhưng nó sẽ tăng lên bao nhiêu? Nobody knows. Tôi rất hồi hộp.

Welcome to a new era.