Untittled
Untittled

Untittled

(Những ban nhạc và đĩa nhạc của em, đăng ngày 18/12/2011)

Thập kỷ 50 là một thập kỷ ngọt ngào. Sau đống đổ nát hoang tàn do Thế chiến II, kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ nhằm tái thiết các quốc gia Tây Âu sau chiến tranh đã tạo đà cho kinh tế các nước này. Sản lượng của các nước châu Âu, đặc biệt là Anh và Đức đã nhanh chóng hồi phục tới mức trước chiến tranh.

Trải nghiệm tại Hoa Kỳ cũng rất dễ chịu. Để phục vụ nhu cầu tang vọt từ châu Âu, các nhà máy của Mỹ hoạt động hết công suất. Tăng trưởng kinh tế nhanh đã tạo sự thịnh vượng cho cả xã hội. Những ký ức đau đớn về thời Đại suy thoái những năm 20s, khi hàng triệu nhà đầu tư của Mỹ đã khánh kiệt, mất sạch tài sản hay hàng triệu người khác mất công ăn việc làm – những ký ức này dần dần phai mờ. Sau hai mươi năm, những ám ảnh đau thương đó đã nhường chỗ cho những lạc quan tươi mới hơn. Bước vào năm 1950, cứ hai mươi lăm người Mỹ trưởng thành mới có một người đầu tư cổ phiếu. Tới cuối thập kỷ, số người đầu tư chứng khoán đã là một phần tám. (1) Tất nhiên, tỷ lệ này một phần còn nhờ những nỗ lực phát triển nhóm khách hàng cá nhân của các công ty chứng khoán như Merril Lynch nữa. Thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ bước vào một giai đoạn bull market kéo dài chưa từng có.

Thất nghiệp suy giảm, công ăn việc làm được đảm bảo, thu nhập và phúc lợi xã hội tốt hơn, giai đoạn sau chiến tranh đã đẻ ra một lứa thế hệ baby-boomers mà đối với nhóm những người này sự tang thương của khủng hoảng kinh tế từ cuộc Đại Suy thoái hoặc sự tàn khốc của chiến tranh đối với họ là những gì được nghe kể lại hoặc đọc qua sách báo hơn là những kinh nghiệm trực tiếp.

Tại Anh, thành phố cảng Liverpool là hải cảng quan trọng phục vụ cho việc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Đây cũng là cửa ngõ nối với Ireland, nơi có những giai điệu dân ca nổi tiếng. Không ở đâu trên đất Anh có nhiều người gốc Ireland như ở thành phố này. Ở đây có đám thủy thủ, có đám thương gia đưa hàng từ Hoa Kỳ vào nước Anh, và cũng có những nghệ sỹ, những người gốc Ireland di cư sang Hoa Kỳ. Thứ âm nhạc này tới đó, lại được thay đổi và xuất cảng trở lại Liverpool những lô băng đĩa với các nghệ sỹ như Frank Sinatra, Ella Fitzgerald và những nghệ sỹ theo dòng folk khác như Woody Guthrie cùng những chiều hướng nghệ thuật đã hiện diện tại Tân Thế giới.

Thập niên 20 một lost generation đã ra đời mà cái tâm trạng u uẩn, buồn bã và đầy tiếc nuối của nó đã nổi tiếng với những tác phẩm của F. Scott Fitzgerald, của Remarque. Thế chiến đã đẩy trải nghiệm của con người tới những trạng thái cực hạn, khi mà những kinh nghiệm và giá trị trước đây của họ trở nên không phù hợp. Thế giới trở nên tàn tạ, vô nghĩa, trống vắng niềm tin và phi lý, ví dụ như trong tác phẩm Chờ Godot (Waiting for Godot) của Beckett.

Tới những năm 60, những thanh niên trưởng thành, nhất là tại Mỹ, hầu như không có dính dáng gì tới Thế Chiến diễn ra trước đó gần 20 năm trước. Nhưng họ vẫn lạc lõng, cô đơn và không hòa nhập được với xã hội như thể hiện trong Catcher in the Rye (Salinger) hay Rabbit, Run (John Updike). Những người khác lại từ bỏ nếp sống thường nhật để trải nghiệm những điều mới, âm nhạc, ma túy. Thế hệ mới cùng chia sẻ những trải nghiệm này, được gọi là Beat generation. Trong On the Road của Jack Kerouac, các nhân vật chính trải qua từ đầu tới đoạn chót quyển sách dọc ngang nước Mỹ, đi qua rồi đi lại. Những chuyến đi đó có ý nghĩa là gì, ngoại trừ ý nghĩa của chúng chính là tự bản thân chúng?? Cho dù thế này hay thế kia, thế hệ những năm 60 chia sẻ sự cô đơn và một sự tách rời khỏi xã hội ở mức độ nào đó.

Đoạn kết của On the Road không thể hay hơn được, trầm mặc:

“Vậy đó, ở nước Mỹ này, khi mặt trời lặn xuống, tôi ngồi trong cái cảng cũ đổ nát bên dòng sông, nhìn ra xa, rất xa bầu trời bên trên New Jersey, cảm nhận cả đất nước thô nháp lê cái bụng khổng lồ của nó tới tận Bờ Tây, và cả những con đường ngang dọc, cảm nhận những con người đang mơ màng trông mênh mông đất nước, ở Iowa tôi biết lắm, bọn con nít lúc này đây nhất định đang khóc nhè trong một đất nước mà người ta cứ để cho trẻ con tha hồ khóc, đêm nay các ngôi sao cũng lên đường và bạn có hay chăng Chúa chính là con Gấu Lớn, và người chỉ huy dàn nhạc, ngôi sao của gã chăn cừu nhất định đang nghiên xuống, tỏa những tia sáng yếu ớt xuống đồng cỏ, nó xuất hiện đúng lúc đêm vừa xuống, đêm đen ca ngợi trái đất, làm tối sầm tất cả các dòng song, chặt đầu những mỏm núi, và không ai, không một ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra cho bất kỳ ai – nếu không phải chỉ là những bần hàn sầu thảm của số tuổi đời ngày càng chồng chất, thế là tôi nghĩ đến Dean Moriarty, nhớ cả đến ông già của anh, ông bố mà không bao giờ chúng tôi tìm lại được, tôi nghĩ đến Dean Moriarty.”(2)

Sự giao thoa và ảnh hưởng của các chiều hướng mới đã đưa tới sự tụ hội của một nhóm bốn thanh niên trẻ, đều chưa tới hai mươi tuổi tại Liverpool. Về sau, bốn chàng trai trẻ này được gọi thân mật là the Fab Four. Nhân vật cầm đầu nhóm, sau này cay đắng một cách phóng đại kể lại “Chín mươi phần trăm dân số của hành tinh này, nhất là ở Phương Tây được sinh ra sau một chai Whisky vào đêm thứ Bảy, và sự ra đời của nó không đựơc trù tính trước. Chín mươi phần trăm của chúng tôi chỉ là các tai nạn thôi. Tôi không biết có ai từng đặt ra kế hoạch sinh một đứa con. Tất cả chúng tôi đều là sản phẩm của một đêm Thứ bảy.”(3)

Chú:
1. More Money than God by Sebatian Mallaby C 2010. pg 38
2. Trên đường Cái quan, bản dịch của Cao Nhị 1994.
3. The Beatles Anthology by the Beatles C 2000.