Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi West Point học MBA) (3)
Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi West Point học MBA) (3)

Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi West Point học MBA) (3)

13-11-2014, 03:01 AM

Bà giáo môn Supply Chain cho 4 loại đề tài để các nhóm chuẩn bị, mỗi nhóm có thể lựa chọn một đề tài. Đầu tiên là lấy ý tưởng, nghiên cứu rồi dàn bài và thuyết trình thử đề tài trước mặt một bà giáo thuộc môn khác, môn này có tên rất oái ăm là Kỹ năng giao tiếp quản lý. Ở đây các môn không tách rời như ở nhà, các môn nào môn đấy chả có tí liên quan gì đến nhau. Ví dụ như hồi tôi học Đại học ở nhà, đến hết môn Quản lý chất lượng cũng không có việc gì phải làm với môn Logistics, chả hạn thế. Hai môn Quản lý Chất lượng và Logistics là hai vũ trụ riêng biệt. Ở đây bọn tư bẩn nó thiết kế chương trình kỹ lưỡng hơn. Như môn Supply Chain với cái món Kỹ năng giao tiếp quản lý bỏ mẹ này là một ví dụ.

Môn giao tiếp này không dậy mấy thứ bắt tay bắt chân, chào hỏi nữa, mà tập trung vào kỹ năng thuyết trình. Khi đó, mặc dù nội dung là về Supply Chain, bà giáo môn Giao tiếp sẽ chấm điểm nói năng, tác phong, body language, rồi eye contact etc vào làm điểm của môn của bà.

Bà giáo môn Supply Chain nói về vụ đạo văn và trích dẫn làm tôi nhớ lại ngay buổi orientation đã được nhắc nhở về vụ này. Đạo văn ở đây không phải là cái gì ghê gớm lắm. Chỉ đơn giản là việc đọc một bài báo, một cuốn sách và lấy một số ý trong đó nhét vào bài nghiên cứu của mình mà không trích dẫn, thế là thành tội to. Còn nếu bảo “chuỗi cung ứng bền vững là một practice mấu chốt trong hoạt động của các doanh nghiệp trong thời đại chuyển biến về tiếp nhận của khách hàng” và mở ngoặc ở dưới “thanh niên A, quyển Chuỗi cung ứng như đi’t, NXB Harley Davidson, 2019, pg 203” chả hạn, thì lại thành ngon ngay. Giáo sẽ nghĩ ờ, thằng này đào sâu suy nghĩ, chịu khó tìm tòi học hỏi. Khác biệt chỉ có thế.

Đằng sau điều này nghe là khác biệt chỉ có thế, nhưng thực ra lại mang ý nghĩa rất lớn đằng sau: sự ghi nhận. Ở nhà thì ta chả ghi nhận ai cả, ý tưởng nào hay thì mang về dùng. Giáo sư đạo mạo dịch cả quyển sách dầy cộp của tây rồi nhét tên mình vào, cũng coi như là một công trình của mình. Nghiễm nhiên là người đi trước, người đột phá và sáng tạo không được tưởng thưởng cho phát minh của mình, và điều đấy có nghĩa rằng “tại sao phải tạo ra một cái gì đấy?” Đằng sau này là cả một sự trì trệ và chậm chạp trong phát minh, sáng chế.

Shraddha gửi cho tôi một đoạn copy vài gạch đầu dòng, cô bảo “tao nghĩ cái này sẽ hữu ích cho phần trình bày của mày”. Cô gái người Ấn Độ, sinh năm 87 hay 89 gì đấy, nói luôn mồm. Tuy nhiên, tôi phải hỏi lại ngay, là mấy gạch đầu dòng này lấy nguồn từ đâu ra.

Để tránh rắc rối thôi. Trong buổi orientation, cô hướng dẫn Chương trình (tức là sẽ làm nhiệm vụ điều phối môn học, kiểm tra điểm xem thừa thiếu credit ra làm sao, sinh viên A đang học MBA nhưng lại muốn học một môn Cơ học Lượng tử và nhất quyết là Cơ học Lượng tử rất hữu ích cho sinh viên này thì phải làm thủ tục gì, đăng ký học với giáo sư nào), là một người gốc Việt, bảo “đừng có để lâm vào những hoàn cảnh oái ăm chỉ vì quên một hai cái trích dẫn. Nặng hơn thậm chí bị đuổi học đấy. Đấy là những hoàn cảnh mà cả sinh viên và trường đều hoàn toàn không hề mong muốn.”

Bị đuổi học vì quên vài cái trích dẫn! Ôi, sao mà tôi nhớ nhà quá