Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi học MBA ở West Point) (2)
Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi học MBA ở West Point) (2)

Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (hay là tôi đi học MBA ở West Point) (2)

11-11-2014, 08:32 AM

Độ tuổi trung bình của cả lớp là hai mươi tám. Thế nhưng phần nhiều bọn già nhất là sinh viên quốc tế, chứ còn bọn Mỹ thì thường trẻ hơn. Nhiều thằng Mỹ mặt trông còn búng ra sữa, nói năng còn ngượng nghịu và phát biểu thì kiểu như cứ phát biểu chứ cũng chả có ý kiến gì đặc sắc. Bọn già nhất thì, như nói ở trên, chắc là sinh viên quốc tế. T., người Nhật, trước làm cho công ty chuyên về đồ uống, sau khi làm vài năm ở Nhật thì sang Canada làm mấy năm, trước khi về NY và sau này thì đi học MBA. Có lẽ T. là đứa già nhất lớp, nhưng cũng chả nhiều đứa khai tuổi để biết đứa nào đích xác là già hơn đứa nào. Chả nhớ tại sao, nhưng buổi đầu tiên cả lớp có buổi Orientation, T. bảo tao hơn bốn sọi, rồi đưa tay úp lên ngực bảo “ối giời ôi, sao mình già thế nhỉ :3”. T. tên đầy đủ là Tomomi, nhưng bảo mọi người cứ gọi tao là T. cho tiện. So với chúng nó, tôi đi làm mười năm, cũng đủ để làm chúng nó mắt tròn mắt dẹt. 

Bọn Ấn Độ là bọn đông nhất, đông hơn cả Trung Quốc. Bọn này có hai nhược điểm làm tôi rất chán khi phải nói chuyện với chúng nó, nhất là hồi đầu. Hầu như đứa Ấn độ nào tên cũng rất dài, phải đến 6-7 âm tiết, kiểu như Samatoxohohohihi thế thì bố ai mà nhớ được tên chúng nó. Thường đứa nào mình cóc nhớ tên thì cũng ngại gọi nó chào hỏi. Trong khi đó, tên tôi lại khá dễ nhớ dễ đọc, chỉ có một âm tiết (đến mức mà tôi bảo chúng mày gọi tao thì cứ thêm chữ KK vào nữa cho có thêm vần điệu, ấy là tôi cứ bốc phét với các bạn Thăng Long thế.) Tên mình dễ nhớ nên chúng nó hay gọi chào, mà mình cóc nhớ tên các bạn nên nhiều khi cũng thấy hơi nhục. Nhưng để nhớ được tên Khaloximoekotoxo thì bố tôi cũng chịu. Cũng may là nhiều thằng Ấn độ tự biết thế nên bảo mày cứ gọi tao là Sam thôi, hoặc Kha thôi cũng được. Nhưng thứ hai là chúng nó nói tiếng Anh bằng thứ ngôn ngữ rất kì khôi, nghe cứ chóng hết cả mặt, trong khi mình lại tai kém, nên chả hiểu chúng nó nói gì. Nói chuyện mà mình cóc hiểu nó thì cũng hơi ngại. Ấy thế nhưng mà bọn Mỹ lại hiểu bọn Ấn nói hơn là bọn sinh viên quốc tế, trong khi tôi cứ đinh ninh phải ngược lại mới phải. 

Tất nhiên trong lớp cũng có chuyện hơi lúng túng là nhiều khi có vài thanh niên Ấn phát biểu (bọn này nói rất nhiều nên chúng nó cũng thường là bọn phát biểu nhiều nhất trong lớp), nhưng ông giáo chả hiểu gì cả. Thanh niên Ấn nhắc lại lần nữa, ông giáo vẫn chả hiểu. Lần thứ ba rồi thì hơi quê độ nên chắc ông giáo bắt được vài từ nhưng cũng phải cố giải thích với chúng nó, nhưng có vẻ thái độ của ổng không được thoải mái lắm   Ấy là cá biệt thế thôi, chứ bọn Ấn là bọn dễ hòa nhập nhất với bọn Mỹ. 

Cả bọn được học nhiều thứ ẩm ương lắm. Bọn nó đào tạo MBA mà, thường là kỳ vọng sau khi ra trường được vào làm những vị trí quản lý nhất định, nên dậy đủ thứ lễ nghĩa quy ước xã hội. Có một workshop ngắn, dậy ăn tối. Trên bàn đầy đủ dao kéo, cốc lớn cốc nhỏ, đĩa bé đĩa con nhìn hoa cả mắt. Bà hướng dẫn nhìn cả lũ đang chóng mặt bảo, đừng có cầm nhầm đồ của người bên cạnh đấy. Thế là bắt đầu giảng giải ăn cái này thế nào, cầm dao với dĩa ra sao, cắt theo một góc chéo như thế nào. Mỗi khi ngừng ăn thì để dao với dĩa theo một góc như thế nào không bọn bồi bàn nó tưởng không ăn nữa nó mang đi mất. Nhiều thứ hầm bà lằng lắm, đến mức tôi nghĩ là nếu phải đi ăn với đối tác trong mấy lần đầu chưa quen thuộc nhìn mấy đống thìa dĩa này chắc tôi lăn đùng ra chết vì stress. Đừng tưởng là bọn Mỹ sinh ra ở đây thì biết những thứ này. Bọn Mỹ bình thường bình dân như đất, cũng không quen thuộc với kiểu ăn uống cầu kỳ hoa lá như thế. Những thứ tiệc kiểu này là dành cho tầng lớp trên, nơi mà người ta đến không phải để ăn, mà để nói chuyện và làm việc. Bà hướng dẫn bảo “nhớ là ta đến dinner không phải để ăn tối, nên nếu đói thì ở nhà ăn tạm một tí cũng được  “

Vừa tham gia workshop vừa thực hành, tức là ăn luôn. Nhưng nói thật là tôi ăn chả thấy ngon gì cả, vì vừa ăn vừa phải cẩn trọng dao thế nọ, dĩa thế kia, lau miệng thì phải gấp cái napkin ra sao. Ăn thế thì quá là stressful, chả bù cho hồi ở nhà ăn uống ngồi dạng thẻ ra cười nói oang oang rất là sung sướng. 

Thế mà ngoài những lúc đạo mạo cà vạt thuyết trình, sinh viên vẫn là sinh viên. Ở đây chỉ hơi khác ở nhà là đi học phải đóng đến $50,000 tiền học phí một năm. Bọn sinh viên quốc tế thì chả phép tắc lịch sự giáo điều như bọn Mỹ, nhưng bọn Mỹ thì còn quá trẻ. 

Có một lớp học tôi rất thích, nhưng lại chả bao giờ làm bài là Data Analysis. Nói đến đây lại phải rủa món Clash of Clans. Cái gêm chết tiệt làm mình lười học, may mà cuối cùng đã cai nghiện thành công được :”>. Học Đại học hoặc Sau Đại học ở Mỹ không giống như học Đại học ở Việt Nam. Học Sau đại học ở Mỹ giống như học cấp II ở ta hơn. Tôi nhớ hồi cấp II học ở nhà lắm bài tập lắm, cô giáo đi theo đít giao bài tập rồi kiểm tra miệng, kiểm tra viết suốt ngày. Tôi ghét học cấp II nhưng đến cấp III thì lại thích, vì hồi đấy thấy Toán cũng đẹp ra phết. 

Thế nhưng trở lại chuyện ở Mỹ. Học MBA nặng phết (chưa tính là tôi còn vừa học vừa giành thời gian đi farm cho full rương chứa đồ trong Clash of Clans nữa, mà cái này mới gọi là mất thời gian). Mỗi môn học cứ liên tục buổi nào cũng giao một đống bài tập, liên tục giải case, tuần nào cũng có một cái quiz. Cái quiz này mục đích rất đơn giản, để kiểm tra xem chúng mày có làm bài tập tao giao không? Đứa nào không làm bài tập thì sẽ không làm quiz được. Không làm quiz thì đương nhiên điểm sẽ toi. Điểm mà toi là bỏ mẹ đấy, vì thế thì sẽ bị cắt học bổng. Không có học bổng, phải đóng $50,000/năm tiền học phí, chưa kể đến tiền bảo hiểm, tiền sách vở, tiền mua case và nhiều loại phí (vé cả mùa xem football, phí sinh hoạt hội MBA, phí thường niên Finance Club, etc.) và tất nhiên tiền sinh hoạt phí, một năm chắc tổng cộng cũng khoảng $70,000 hoặc hơn xíu thì chỉ có đường đi ăn cắp. 

Cái môn Data Analysis này rất hay, cực kỳ hữu ích với công việc của tôi. Tiếc là tôi đã học đi học lại mấy phần đầu của món này rồi nên chủ quan chả thèm học mẹ gì. Anh giáo là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, rất hay đùa. Nhưng cái quiz thì không. Cái quiz đầu tiên anh ra đề cho làm bằng giấy. Sau đó anh bảo thôi, tao không ra đề bằng giấy cho chúng mày nữa. Ra đề bằng giấy vừa lằng nhằng lại lâu. Chúng mày làm bài online, điểm có luôn. Cái quiz thứ hai là làm online. Không như các môn khác, cái quiz của anh giáo này gồm có 5 câu, làm trong 8 phút thôi. Không phải tính toán nhiều lằng nhằng sigma, độ lệch chuẩn như thi cuối kỳ, mấy cái quiz này được thiết kế để test độ hiểu. Nghĩa là không hiểu thì không làm bài được, tick bừa thì xác suất đúng mỗi câu chỉ là 20%, điểm làm sao mà chả lẹt đẹt. 

Thế nhưng anh giáo mới thiết kế quiz online lần đầu nên không như các quiz khác. Quiz khác thời gian tính bằng seconds, quiz này của anh tính bằng đơn vị phút. Nghĩa là đồng hồ báo: còn 5 phút, còn 4 phút. Đến khi còn 1 phút thì báo là “less than a minute”. Thế thì bố đứa nào căn được là còn bao nhiêu giây để bấm nộp bài nên hầu như cả lớp nộp bài trễ. Ở Mỹ này trễ giờ là cái gì đấy kinh khủng lắm, nên anh giáo bảo “Bao nhiêu đứa nộp bài trễ giơ tay? Ối giời, hầu như cả lớp trễ thế này à? Tệ quá. Trễ giờ thì bị trừ điểm thôi.” 

Cả lớp ồ lên phản đối. Cái kiểu ồ lên nói cùng lúc này đúng y kiểu sinh viên, buồn cười quá. Anh giáo bảo “im nào, chúng mày nói ầm thế bố ai nghe được. Từng thằng nói một thôi.” Ơ thế nhưng hóa ra có hiếm hoi vài đứa nộp trước giờ cũng không biết điểm. Anh giáo hỏi “thế cả lớp không đứa nào có điểm à?” Cả lớp lại ồ lên. Anh giáo gãi đầu gãi tai “thôi được, chắc là lỗi ở đâu đấy. Để tao kiểm tra lại xem.” 

Thế là xong một quiz.