Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (38)
Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (38)

Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (38)

30-12-2016, 12:06 AM

Chà, thế là đã hơn nửa năm kể từ khi kết thúc khóa học. 

Tôi và vợ đã kết hôn ở Mỹ vào ngày 12/24. Chúng tôi thực hiện lại điều này một lần nữa tại Việt Nam, vào đúng một năm sau, ngày 12/24. Vợ tôi muốn tạo ra một câu chuyện, nên chúng tôi lục tục bay từ Saigon về Hanoi để làm các thủ tục. Không may, ngày 12/24 là thứ Bảy, các cán bộ Phường không nhận hồ sơ vào ngày này. Nhờ cô bạn học cũ làm việc tại Phường, chúng tôi cũng có được các giấy tờ cần thiết. 

Đồng chí cán bộ Phường hỏi tôi “cưới chưa?” Hàm ý rằng chúng tôi đã tổ chức đám cưới tại nhà chưa. Tôi bảo chưa. 

Đây là một điểm khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam. Ở Việt Nam, bạn có thể cưới trước khi có giấy tờ từ government. Tờ đăng ký kết hôn là một giấy tờ xác nhận rằng hai người là vợ chồng. Ở Mỹ, ít nhất là ở một số bang mà tôi biết, bạn phải có giấy tờ từ government cho phép được thực hiện đám cưới. Marriage license cho phép hai người được cưới nhau, nếu hai bạn không tổ chức đám cưới, hai bạn không phải là vợ chồng. Đám cưới có thể linh đình, hoặc có thể đơn giản chỉ một người làm chứng và một người có quyền thực hiện nghi lễ này. 

Tôi trở về làm một công việc mà tôi thích, với một mức lương nhỏ bé đến đáng thương so với những gì các bạn học tôi có thể được nhận. Ví dụ, Ben làm cho một công ty sản xuất đồ chơi, nhiệm vụ của nó là phân tích cái khỉ gì đó liên quan đến hệ thống robotic của công ty chết tiệt này. Ben tiết lộ cho tôi mức lương của nó là $130k/năm. Nếu tôi khai mức luơng của tôi, dù kèm theo cái comp. package rất hứa hẹn, thì chắc hẳn sẽ kéo tụt mức trung bình của trường xuống. Đó là một điều tôi luôn cảm thấy áy náy, dù rằng trong thống kê, thường người ta sẽ bỏ đi các outliers bất thường như thế. Ở một số không nhiều các công ty, bạn có thể land a job in the US and the firm will place you back to Vietnam. Bạn sẽ nhận được mức lương như ở Mỹ, nhưng làm việc và sinh sống với chi phí thấp ở Việt Nam. 

Công việc của tôi có lẽ sẽ khiến tôi thỉnh thoảng phải trở lại Mỹ, như vậy cũng tốt. Tôi sẽ bớt đi nỗi nhớ về đất nước này. 

Lũ sinh viên lớp tôi hẹn hò nhau 10 năm sau sẽ trở lại trường và đóng góp cái gì đấy. Tôi và thằng roommate đùa nhau là trong buổi họp đấy, chỉ những thằng thành công nhất trở về và bullsh*t về vai trò quan trọng của nó và những thành tích tuyệt vời mà nó đạt được. Kiểu boasting về bản thân này là đặc trưng của bọn MBA: trước khi xin đi học, bạn đã học cách đánh bóng resume. Khi vào học, bạn lại được học các trick để đánh bóng profile bản thân, nâng tầm những thành tựu ghê gớm của bản thân kinh khủng hơn nữa như là một cách để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. 

Nhưng bỏ qua những thứ không tránh khỏi đấy của MBA, tôi thấy mình mắc nợ một món rất lớn đối với những người đã tạo điều kiện cho mình. Như tôi đã nói trong một bài, mỗi phòng học, mỗi tòa nhà trong trường đều mang tên một người nào đó. Những người này đã make things happen, đặt tôi vào hàng ngũ cựu sinh viên của trường như họ. Nếu không có sự hào phóng của họ, hẳn tôi đã không ở đây, đang ngồi chờ boarding cho chuyến bay tới Taipei để gặp lại mấy đứa bạn học cũ, thằng roommate, thằng Chris và một vài đứa khác. Nhờ có học bổng mang tên của người A, tôi được học trong các classroom tên công ty B, cắm đầu cắm cổ vào thư viện mang tên người C để chuẩn bị cho present hay đơn giản để tiếp tục làm bài tập cho kịp giờ lên lớp của lớp sau. Không chỉ để trả lại sự hào phóng mà mình đã nhận được từ những người đi trước, một cách nào đấy để tự hào về bản thân mình và trở thành một phần của di sản, có lẽ một lúc nào đó sẽ có một học bổng nào đó mang tên tôi được trao tặng cho một sinh viên nào đó, từ Thailand, từ Bangladesh hay cũng có thể từ Việt Nam để được học trong ngôi trường tôi đã học. Một người nào đó có thể ngồi dưới gốc những hàng cây, nằm trên thảm cỏ ngắm trời xanh giống tôi cách đây nhiều năm trước, đọc những quyển sách khác với những gì tôi đọc và nghĩ về những điều khác và đưa ra những giải pháp khác của tôi.  Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để thể hiện lòng biết ơn với những gì mình đã được nhận. Đó là cách mình trở thành một phần của di sản, để dòng suối cứ chảy mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác.