Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (37)
Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (37)

Tiễn ngày vui hết tiễn thời xuân đi (37)

10-05-2016, 12:19 PM

Trong buổi vinh danh Community Honors, Isaac nhận được một Mock Award: most likely to be late. Hẳn vụ đi muộn của nó nổi tiếng đến mức nhiều người đều biết. Isaac và một sinh viên năm nhất chung nhau giải này. Tôi gặp bố của Isaac trong buổi tốt nghiệp và thấy không gì chung nhau giữa hai con người ấy: Bố của Isaac trông như một businessman thành công, còn nó thì là một người chuyên đi muộn. Isaac đến muộn trong các lớp học, có mặt muộn trong các buổi họp. Anyway, còn buổi học hay cuộc họp nào nữa đâu để mà nghĩ về. 

Taylor, thằng teammate gay rất vui vẻ, đi làm cho Boeing. Scott sẽ tới một công ty gì đấy làm Marketing, thật kì cục là Marketing đã từng là mục tiêu của Scott trước khi nó quyết định chuyển sang Finance concentration. Shraddha sẽ về với Dell. Còn tôi sẽ về Việt Nam, đúng như dự định pre-MBA. Benjamin, anh chàng luôn luôn tất bật với đủ thứ assignment, meetings lẫn event, một ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng trong suốt hai năm MBA, đã ly hôn với vợ. Kevin, người bị ung thư não (?) (brain tumor) đã nghỉ học sau khi kết thúc năm thứ nhất, hiện vẫn còn sống. Anh ấy vẫn đến dự buổi Community Honors bằng xe lăn, nhưng đã yếu hơn nhiều. 

Chris có thể sẽ quay về phục vụ cho quân đội, có thể nó sẽ tiếp tục phụng sự cho nước Mỹ một năm nữa ở Kwait, nhưng tôi nghĩ binh nghiệp của nó còn kéo dài. Nó hứa sẽ đến dự đám cưới của chúng tôi ở Việt Nam. 

Yi sẽ chuyển xuống South Carolina làm cho một công ty hóa chất. Bạn gái của Yi đã bỏ việc để từ Thượng Hải đến với Yi khi chúng tôi vẫn còn năm thứ nhất, hai người dự định đủ thứ chuyện tương lai ở nước Mỹ. Hai đứa đã chia tay nhau sau đó chưa được một tháng, vì khoảng cách lớn giữa một người không việc gì làm, đang chịu cú sốc văn hóa lớn khi đến Mỹ, với một người đủ thứ bận bịu vì MBA. Một số người khác tôi biết cũng break up, hoặc chia tay với bạn giai/bạn gái của mình, hoặc ly hôn với vợ/chồng mình. Ngược lại, hai bạn học MBA cùng khóa, Dimitriv, anh bạn gốc Nga từng nói chuyện với tôi vài thứ về Việt Nam (tiếc là tôi chả nói được gì nhiều với cậu ấy, vì tôi không quan tâm nên chả biết gì về Việt Nam), đã kết hôn với Na ở năm thứ hai. Bài học là nếu ở Mỹ, đừng để một trong hai người học MBA và người significant other kia nhàn rỗi. Nếu muốn giữ mối quan hệ, tốt nhất hai người hãy cùng học MBA. 

Thằng roommate của tôi sẽ chuyển tới San Diego cùng vợ và tiếp tục job search. Năm nay thị trường lao động yếu hơn vài năm trước. Triển vọng tăng lãi suất của Fed đã tạo ra những uncertainty trong thị trường đồng thời với những diễn biến chậm lại của thị trường lao động (xem Staffing Index). Vợ nó đã đi làm từ lâu và đang trong quá trình cấp thẻ xanh nên nó sẽ thuận lợi hơn khi xin việc. Nhà tuyển dụng sẽ chần chừ hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường không còn hứng khởi như một hai năm về trước, nếu phải sponsor visa cho ứng viên. Vợ nó học Computer Science ở Carnegie Mellon (CMU) nên tôi cho rằng nó không thông minh bằng vợ. Hai đứa đang đến dự tốt nghiệp của một đứa em nào đấy ở Ohio và sẽ thăm lại Pittsburgh để vợ nó giới thiệu cho thằng bạn tôi những kỉ niệm học hành, nơi ăn chốn ở, khi cô ấy còn ở CMU. 

Hai đứa sẽ quay trở lại vào đúng ngày mà tôi dự tính rời đi nên chúng tôi không biết liệu có còn gặp lại nhau không. Đúng hơn là liệu có còn gặp lại vào lần này không. Tôi cho rằng tôi sẽ còn gặp lại thằng roommate nữa. Tôi sẽ mời nó đến đám cưới của tôi, nhưng không chắc lắm nó có đến được không. Chắc chắn tôi sẽ đến thăm nó khi tôi du lịch ở Đài Loan khi nó đã quay trở về nước – cả hai vợ chồng nó đều không thích ở Mỹ mà chỉ định làm ở đây một vài năm rồi về Đài Loan. 

******

Trong lễ tốt nghiệp, người thân quen của các bạn trẻ cùng lớp đến khá đông, ở đó tôi lần đầu gặp ông bà già thằng Chris và ông già thằng Isaac. Tôi còn gặp cả ông già Taylor nữa, ông ấy bị stroke và phải phẫu thuật khi chúng tôi đang học năm nhất, trông ông ấy không yếu như thằng Taylor kể. 

Tôi không có ai đến dự cùng cả. Tôi bảo vợ tôi không cần phải đến, vì tôi cũng về ngay sau đây thôi. Ông già tôi không có mặt, dù ông ấy rất mong muốn được đến Mỹ để bên cạnh tôi trong ngày tốt nghiệp. Ông ấy rất muốn đến Mỹ. Ông ấy rất muốn được xem tận mắt đất nước được coi là mạnh mẽ và giàu có nhất thế giới này. Ông ấy thiếu một điều mà công dân nào lẽ ra cũng có quyền hưởng: một sự tự hào, một luồng máu nóng rừng rực trong huyết quản khi nhìn thấy lá cờ của tổ quốc, nên ông ấy tìm thấy niềm tự hào thay thế đó ở một quốc gia khác mà ông ấy đã từng sống nhiều năm. Vì thế nên ông ấy rất muốn tới Mỹ để vui với tôi, và có lẽ để so sánh nó với quốc gia ấy của ông. Ông ấy rất muốn đến Mỹ. 

******

Tôi đã chuẩn bị hành lý gần xong. Tôi mang về hơn một thùng sách, tôi chọn thùng các-ton thay vì valy để chứa được nhiều sách hơn. Đấy là tôi đã nhờ vợ tôi mang về trước được một valy rưỡi sách, và một người đồng nghiệp của cô ấy thêm một valy nữa.

******

Đức Anh, một thanh niên trẻ sang Mỹ học MBA bằng học bổng Fulbright, bảo tôi rằng “có lẽ mình sẽ nhớ đất nước này, anh nhỉ?”. Tôi bảo “A lot.” 

Và khi viết những dòng này, bỗng nhiên tôi thấy nhớ buổi Orientation, nhớ hôm đi xe đạp lóc cóc trong rừng không có GPS. Tôi nhớ về những assignments, nhớ về cái case GM trong môn Financial Strategy, chúng tôi phải crack nó để present. Tôi nhớ rằng chúng tôi làm việc từ buổi chiều hôm trước cho tới ba giờ sáng hôm sau mà vẫn chưa chắc phải làm thế nào, và hẹn nhau về ngủ rồi tám giờ sáng lại có mặt để làm tiếp cho buổi present vào lúc hai giờ chiều. Tôi sẽ nhớ mình đi bộ trên đường, vừa đi vừa lẩm nhẩm những lời láo toét về một người mẹ láo toét, mặc suit vừa đi vừa lập cập vì lạnh và vì đường icy trơn suýt nữa thì ngã.

Sẽ có nhiều điều tôi còn nhớ nữa, nhưng tựu chung lại, như lời Jeff, một thanh niên đến từ phòng Career Services, trong một buổi orientation, “twenty one months will be just a blink of an eye.”

Cùng với thời gian, những kí ức ấy sẽ mờ nhạt dần những đường nét cụ thể, để chỉ còn những nỗi nhớ như mây như gió. Sẽ đến lúc nào đó nỗi nhớ như mây như gió không còn kỹ càng về đường nét đó sẽ lớn lao đến mức tôi sẽ bật ra thành lời “Anh nhớ nước Mỹ quá, em yêu ạ.” Khi bạn gần chia tay, bạn sẽ nhớ ra tất cả mọi thứ.  Tôi sẽ nhớ nước Mỹ bởi vì ngoài nước Mỹ ra, tôi không có đất nước nào khác để nhớ về.