Pinball, 1973 (4)
Pinball, 1973 (4)

Pinball, 1973 (4)

3

Trừ những người đưa báo, không bao giờ có ai gõ cửa nhà tôi cả. Do đó nếu có tiếng gõ cửa, tôi không bao giờ mở, thậm chí không buồn biết là ai.

Nhưng sáng chủ nhật hôm đó, một người cứ gõ mãi, tới ba mươi lăm lần. Cuối cùng tôi đầu hàng, trườn ra khỏi giường mắt nhắm mắt mở, loạng choạng ra mở cửa. Trên thềm là một người đàn ông trạc mặc bộ đồ lao động màu xám năm mươi tuổi, kẹp lấy chiếc mũ bảo hiểm như đang nâng niu một con mèo.

“Tôi ở công ty điện thoại”, ông ta nói “đến để thay bảng chuyển mạch.”

Tôi gật đầu. Ông có bộ dạng vĩnh cửu của năm giờ sáng, khuôn mặt bạn có thể cạo đi cạo lại mà không bao giờ trông sáng sủa. Cả khuôn mặt là bộ râu xồm chờm tới tận mắt. Tôi thấy thương ông ta. Nhưng còn hơn thế, tôi thấy buồn ngủ. Tôi đã thức tới 4 giờ sáng chỉ để chơi cá ngựa với hai cô gái sinh đôi.

“Chiều anh có thể quay lại được không?”

“Không. Tôi e là tôi phải làm ngay bây giờ.”

“Tại sao lại thế?”

Người đàn ông lục từ túi quần và lấy ra một cuốn sổ ghi chép màu đen. “Tôi có nhiều việc phải làm trong ngày. Ngay khi tôi làm xong ở khu vực này, tôi lập tức phải tới khu vực khác. Anh hiểu chứ?”

Tôi liếc nhìn những địa chỉ trên sổ. Dù nó ngược chiều đọc, tôi vẫn thấy rằng trong khu nhà tôi đúng là hộ duy nhất còn lại, như lời anh ta nói.

“Công việc sửa chữa đó như thế nào?”

“Hoàn toàn đơn giản. Chỉ việc lấy bảng mạch ra, ngắt dây và lắp chiếc bảng mạch khác vào. Chỉ 10 phút.”

Tôi suy nghĩ giây lát, và lắc đầu.

“Có vấn đề gì với cái bảng đang sử dụng à?” tôi hỏi.

“Cái đang dùng là loại cũ.”

“Chuyện đó chẳng làm phiền tôi chút nào hết.”

“Nghe này,” ông ta bắt đầu, rồi lựa lời “Chuyện không phải chỗ đó. Vấn đề là nó sẽ gây rắc rối cho những người khác.”

“Làm sao?”

“Anh hình dung nhá, tất cả các bảng mạch đều được nối tới một máy vi tính tại văn phòng trụ sở. Nhưng cái bảng mạch cũ của anh nó gửi những tín hiệu hoàn toàn khác với những tín hiệu của người khác, do đó làm sai lệch cả hệ thống. Anh hiểu chưa?”

“Hiểu. Có một vấn đề không tương thích giữa phần cứng và phần mềm.”

“Vậy là chúng ta đã hiểu nhau rồi, anh cho tôi vào chứ?”

Khi ấy, tôi chừng như quyết định mở cửa cho ông ta vào.

Nhưng tôi chợt nghĩ ra và hỏi. ” Thế điều gì khiến anh chắc chắn là có chiếc bảng mạch trong căn hộ tôi? Tại sao không phải là phòng giám thị hoặc một nơi nào khác?”

“Thường là có.” Ông ta nói, nhìn tường nhà bếp để tìm chiếc bảng. “Anh biết đấy, hầu hết mọi người đều cho rằng nó chỉ là một điều phiền toái. Nó không có ích gì cho anh mà lại chỉ tốn chỗ.”

Tôi gật đầu. Ông ta đứng lên trên chiếc ghế trong bếp và xem xét trần nhà. Chẳng có gì ở đó.

“Chỉ là một việc tìm kiếm thông thường thôi. Bảng mạch thường được giấu tại những nơi không thể tin được. Đó là tội ác. Rồi họ làm gì? Họ lấp đầy căn hộ với những chiếc đàn piano to như những con voi ma-mút, cùng với các con búp bê trong các hộp kính. Và anh có gì? Thật không thể tin được.”

Tôi thông cảm với ông ấy. Ông ta bỏ qua căn phòng bếp, tiến tới một nơi khác, nghiêng vào chỗ này chỗ nọ. Rồi trước khi kịp nhận ra, ông mở cửa vào phòng tiếp theo.

“Ví dụ như cái bảng mạch ở chỗ tôi vừa qua. Để tôi kể cho anh nghe, mới lạ làm sao. Anh có biết họ chôn nó ở đâu không? Ý tôi là, thậm chí tôi còn…”

Nhưng lời cuối cùng của người đàn ông biến thành một tiếng ớ nho nhỏ. Trong góc phòng, trên chiếc giường to, đầu hai chị em nhô ra ngoài mảnh chăn đang đắp. Hai cô đang nằm mỗi cô một bên, để lại khoảng trũng nơi tôi vừa nhỏm dậy. Sững sờ, người thợ há hốc mồm đến mười lăm giây. Chính vì thế, hai cô gái cũng không nói gì. Tôi biết mình phải là người lên tiếng.

“Ờ, quý ông đây là người sửa điện thoại.”

“Rất hân hạnh được gặp ông,” cô nằm bên phải nói.

“Cám ơn ông,” cô bên trái nói.

“À, ờ, vâng, tôi cũng thế,” người thợ nói.

“Anh ta đến đổi bảng mạch.”

“Cái bảng mạch á?”

“Cái gì cơ?”

“Một thiết bị dùng để kết nối với mạng điện thoại.”

Điều này còn ít ý nghĩa với hai cô hơn, nên tôi nhường phần giải thích cho ông ta.

“Nói thế này này. Có một búi dây điện thoại được nối với nhau ở đây, được chưa? Hãy tưởng tượng có một con chó mẹ ở đây còn kia là tất cả những con cún con. Hai cô đã hiểu chưa nào?”

“?”

“Chẳng hiểu tẹo nào?”

“Ờ, thế này. Và thế là chó mẹ phải chăm lo cho đàn con. Nhưng nếu chó mẹ chết thì đàn con cũng chết theo. Đó là tại sao tôi lại đến đây, như kiểu thay một con mẹ mới nếu chó mẹ sắp chết.”

“Tuyệt lắm!”

“Wow!”

Thậm chí đến tôi cũng bị ấn tượng.

“Đó là lý do tôi ở đây hôm nay. Xin lỗi đã quấy rầy quý vị.”

“Ôi, đừng khách sáo thế.”

“Không hề quấy rầy đâu. Tôi muốn xem lắm!”

Người đàn ông lau trán thư giãn, rồi tìm lại một lần.

“Vâng, bây giờ để tìm cái bảng mạch đó…”

“Không cần phải kiếm nó đâu.” cô bên phải nói.

“Nó nằm phía sau chiếc tủ cạnh giường. Chỉ cần cậy tấm bảng ra”

Tôi ngạc nhiên.”Này, sao các cô lại biết điều này? Thậm chí đến tôi còn không biết.”

“Cái bảng mạch ?”

“Kiến thức phổ thông mà.”

“Đúng nó rồi đấy,” người thợ nói.

***********

Đúng vậy, công việc chỉ phải làm trong mười phút. Trong thời gian đó, chị em sinh đôi cùng thì thào chia xẻ điều bí mật, rúc rích chụm đầu vào nhau. Chính vì thế mà người đàn ông cứ nối mạch nhầm liên tục. Khi xong vịêc, hai cô trườn vào đám áo và quần jeans dưới chăn và vào bếp, pha cà phê cho mọi người.

Tôi mời người thợ miếng bánh ngọt còn lại. ông rất vui vẻ nhận lấy và ăn cùng cà phê.

“Tuỵêt quá. Ngày hôm nay tôi chưa có gì vào bụng.”

“Anh chưa có gia đình sao?” cô 208 hỏi.

“Ồ có rồi, nhưng vợ tôi chẳng bao giờ dậy sớm vào sáng Chủ nhật cả.”

“Tệ thật.” Cô 209 nói.

“À, xem tôi này. Mấy người thấy đấy, có phải là thích hay không mà tôi vẫn phải làm vịêc vào Chủ nhật đấy thôi.”

“Anh ăn trứng luộc nhé?” Tôi gợi ý như để an ủi.

“Ồ không, không. Như thế thành ra đòi hỏi nhiều quá.”

“Không vấn đề gì đâu,” tôi nói. ” Tôi cùng đang định làm cho bọn tôi mà.”

“À, nếu vậy thì, trứng luộc vừa lòng đào, nếu chuyện này, à, …”

Người thợ nói tiếp khi ông ta bóc vỏ trứng. ” Tôi đã đến nhiều nhà trong vòng suốt 21 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên.”

“Lần đầu tiên gì cơ?” Tôi hỏi.

“Ý tôi là, à, một người đàn ông ngủ với hai cô gái sinh đôi. Chắc là cũng mệt đấy chứ?”

“Chẳng có gì đặc biệt lắm đâu,” tôi nói, miệng nhấp tách cà phê thứ hai.

“Thật chứ?”

“Thật.”

“Đó là vì anh ấy ngon lành lắm đấy.” cô 208 nói.

“Một con quái vật.” Cô 209 nói.

“Đúng là thế,” người đàn ông nói.

***

Tôi thực sự nghĩ rằng chuyện đó khiến anh ta thích thú. Anh ta hấp tấp đến mức để quên lại cái bảng mạch cũ. Hoặc cũng có thể là để trả ơn cho bữa ăn sáng. Dù là lý do gì đi nữa, hai cô gái nghịch cái bảng mạch cả thời gian còn lại trong ngày. Một cô đóng giả là chó mẹ, một cô là cún con, cứ nói đi nói lại không dứt những lời vô nghĩa.

Tôi kệ hai cô nghịch cái bảng chuyển mạch điện thoại, dành cả buổi chiều tôi để dịch cho xong đống tài liệu tôi mang về nhà. Tất cả các sinh viên làm thêm bán thời gian đang bận bịu với kỳ thi nên chả ai làm công vịêc dịch thụât nặng nhọc này, cho nên tôi còn một đống việc. Mọi chuyện vẫn ổn cho đến khoảng 3 giờ, khi tốc độ dịch bắt đầu chậm lại như thể tôi bị hết pin vậy. Đến 4h chiều, tôi cạn sạch năng lượng và không thể dịch thêm dù chỉ một dòng.

Thế là tôi bỏ cuộc. Tôi tì khuỷu tay lên mặt bàn bằng kính, nhả khói thuốc lên trần nhà. Làn khói lững lờ trôi trong ánh chiều êm đềm như một lớp dịch lỏng.

Một cuốn lịch nhỏ lấy từ nhà băng năm trên bàn dưới lớp kính. Tháng 9 năm 1973… Giống như một giấc mơ… 1973, ai có thể nghĩ rằng đã có một năm trời như thế? Và cũng có lý nếu cho rằng một năm như thế chưa từng diễn ra.

” Có gì không ổn sao?” cô 208 bước tới hỏi.

” Trông anh có vẻ mệt. Uống cà phê nhé?”

Hai cô cùng gật đầu và đi vào bếp, một cô thì xay cà phê, cô kia thì đun nước và hâm nóng tách nước. Rồi tất cả chúng tôi đặt người xuống sàn nhà cạnh cửa sổ và uống cà phê.

” Anh không khoẻ à?” cô 209 hỏi.

” Hình như thế thật,” tôi nói.

” Nó toi rồi.”

” Cái gì toi?”

” Cái bảng mạch của anh.”

” Con chó mẹ ấy.”

Tự đáy lòng, tôi buông một tiếng thở dài. “Hai người thực sự nghĩ thế à?”

Hai cô gái cùng gật đầu.

“Ngay cả cái chân cuối cùng.”

“Đúng vậy.”

“Thế hai người nghĩ bọn mình phải làm gì bây giờ?”

Hai cô chỉ lắc đầu.

” Chịu.”

Tôi lặng lẽ rít một hơi thuốc. ” Chúng ta đi dạo trên sân golf nhé? Hôm nay Chủ nhật, có nhiều bóng bay lạc lắm đấy.”

Phải mất hàng giờ chúng tôi mới trèo qua đựơc hàng rào và tản bộ dưới nắng vàng trong sân golf quạnh vắng bóng người. Tôi huýt sáo hai lần bài “It’s so Peaceful in the Country” của Mildred Bailey. Hai cô gái khen giai điệu của bài hát. Cũng tuyệt như vậy, chúng tôi chả thấy quả bóng nào cả. Có những ngày như thế. Có lẽ tất cả những tay chơi còi ở Tokyo đã đi đâu cùng nhau. (1) Hoặc là họ đã huấn luyện đựơc giống chó săn đặc bịêt chuyên đi nhặt bóng. Chúng tôi đành bỏ cuộc và về nhà.

Chú:

1. Nguyên văn: Probably all the players in Tokyo with low handicaps had gotten together. Có lẽ dịch câu này cần có kiến thức về chơi golf, ở đây tôi tạm hiểu khi đánh golf, những tay golf trình độ thấp thường đánh lạc bóng. Nhân vật chính đi vào đúng ngày không có quả bóng lạc nào nên nghĩ rằng trên sân golf không có ai trình còi.